Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Linh San Thứ ba, ngày 26/04/2022 15:37 PM (GMT+7)
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài do đã trễ so với kế hoạch,
Bình luận 0

Ngày 26/4, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM về việc đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, trong kế hoạch phối hợp triển khai dự án cao tốc TP.HCM -  Mộc Bài giữa TP.HCM và Tây Ninh, thời gian dự kiến trình Bộ Kế hoạch và đầu tư hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, đến nay việc trình hồ sơ đã trễ so với kế hoạch đề ra.

Để đẩy nhanh tiến độ, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND thành phố xem xét, chỉ đạo về việc thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố khẩn trương tiếp thu ý kiến của các sở ngành, đơn vị để hoàn thiện hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định nội bộ.

Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài - Ảnh 1.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ đi qua hai huyện Hóc Môn, Củ Chi. Ảnh: L.S

Sở Giao thông vận tải đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định, tham mưu UBND thành phố trình Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo dự án tiền khả thi trong tháng 5/2022.

Đồng thời, Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố chủ trì, phối hợp Sở Tài chính tham mưu về nguồn vốn đầu tư dự án (vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn thành phố khoảng 5.900 tỷ đồng); bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố trình HĐND thành phố trong kỳ họp gần nhất (dự kiến tháng 7/2022).

Được biết, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài 53,5km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 23,7km, còn lại đi qua tỉnh Tây Ninh. Dự án bắt đầu từ đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, tuyến đi song song với quốc lộ 22 hiện hữu. Đoạn cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Cao tốc sẽ đi qua hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, nơi đang được tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông để tăng tốc phát triển kinh tế.

Theo quy hoạch, mặt cắt ngang đoạn qua địa bàn TP.HCM có 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT); nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT, nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.

Ở giai đoạn 1, dự án thực hiện từ 2021 - 2025 với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 15.900 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).

Theo UBND TP, dự án khi hoàn thiện sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.

Dự án cũng nhằm phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực; góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và đảm bảo an ninh quốc phòng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem