J-7 (tên mã NATO: “Fishcan”) là bản sao của máy bay MiG-21 của Liên Xô từ những năm 1960 do Trung Quốc phát triển. Mặc dù nguyên bản là thiết kế cho thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hơn 2.400 chiếc J-7 đã được sản xuất với 54 biến thể cho đến năm 2013. Theo một báo cáo hàng năm về khả năng quân sự và kinh tế quốc phòng từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAAF) có gần 300 chiếc J-7.
Nhưng với việc Trung Quốc nhận các máy bay chiến đấu thế hệ mới, chẳng hạn như Su-30 do Nga thiết kế, cộng với máy bay chiến đấu tàng hình J-16 và J-20, thì thế hệ máy bay chiến đấu cũ như J-7 đã không còn được coi trọng. Theo Global Times, Trung Quốc có thể cho loại máy bay này “xếp xó” hoàn toàn vào năm 2023. Nhưng J-7 có thể có một số phận khác: chúng “sẽ được sửa đổi để trở thành phương tiện bay không người lái và đóng vai trò mới trong chiến tranh hiện đại”.
“Vai trò mới” đó rất có thể là biến J-7 thành một máy bay chiến đấu không người lái (UCAV). Đây không phải là lần đầu tiên một kế hoạch biến máy bay phản lực thành máy bay không người lái. Trước đó đã có suy đoán rằng Trung Quốc có thể chuyển đổi J-6, bản sao của máy bay chiến đấu MiG-19 của Liên Xô từ những năm 1950, thành một UCAV.
Nhưng các chuyên gia đã nhanh chóng lưu ý rằng vào năm 2021, bốn chiếc J-7 đã tham gia tập trận cùng một nhóm máy bay chiến đấu J-16 gần không phận Đài Loan, một bước đi bất thường đối với một loại máy bay già cỗi mà ngay cả người dân Đài Loan cũng phải công nhận. Một số người thắc mắc liệu những chiếc J-7 này đã được chuyển đổi thành máy bay không người lái hay chưa, mặc dù không có bằng chứng nào được công khai.
Tại sao lại có sự chuyển đổi này? Lý do rõ ràng nhất là Trung Quốc không muốn lãng phí loại máy bay đắt đỏ như J-7. Nhưng một nguyên nhân lớn hơn có thể là do hiệu suất. Máy bay có người lái J-7 vốn có thể bay với tốc độ xấp xỉ Mach 2 (686 m/giây), cũng như có thể mang theo nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không, không đối đất, tên lửa chống hạm và bom. Một nghiên cứu năm 2022 của Viện Mitchell, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, kết luận về UCAV như sau: “Chi phí chuyển đổi J-7 thành UCAV tương đối thấp, nhưng chúng vẫn giữ được nhiều đặc điểm của máy bay có người lái. Các khung máy bay được chuyển đổi có cùng hiệu suất, khả năng cơ động và khả năng tải trọng vẫn giữ nguyên như các nền tảng ban đầu.”
Các máy bay chiến đấu J-6, J-7 và J-8 cũ, cũng như máy bay tấn công Q-5, có thể được chuyển đổi thành UCAV và sau đó “được sử dụng như một phương tiện để áp đảo các hệ thống phòng không của Đài Loan, để bao vây một tàu sân bay, hoặc thực hiện các hoạt động phản công cơ bản”. Ví dụ, Trung Quốc có thể điều động hàng trăm chiếc UCAV để làm cạn kiệt nguồn cung cấp tên lửa phòng không của Đài Loan, dọn đường cho máy bay chiến đấu có người lái.
Trớ trêu thay, mặc dù nguyên bản là do Liên Xô sản xuất nhưng những bản sao J-7 do Trung Quốc tái tạo có vẻ như toàn diện hơn. Global Times mô tả J-7 là “máy bay chiến đấu siêu thanh đầu tiên do Trung Quốc phát triển có thể đạt vận tốc Mach 2”. Nhưng trên thực tế, J-7 dựa trên bản thiết kế MiG-21 và các bộ phận do Liên Xô chuyển giao vào năm 1961. Khi Trung Quốc và Liên Xô chia rẽ vào đầu những năm 1960, Moscow đã ngừng chuyển giao J-7 và Trung Quốc phải tái thiết kế. Theo tác giả Andreas Rupprecht trong cuốn sách Dragon's Wings, J-7 không phổ biến dù được Liên Xô sản xuất. Các vấn đề bao gồm lỗi sản xuất, kém uy tín, ghế phóng bị lỗi và buồng lái có kích thước phù hợp với các phi công Nga chứ không phải Trung Quốc.
“Tái chế” máy bay phản lực cũ thành máy bay không người lái nghe có vẻ tiết kiệm. Nhưng việc này có thể có vấn đề. Máy bay không người lái siêu thanh đang ở giai đoạn sơ khai, đặc biệt là UCAV siêu thanh. Liệu một máy bay chiến đấu phản lực không người lái có thể thực hiện các thao tác chiến đấu tốc độ cao, trong khi người điều khiển lại ở trên mặt đất và hạn chế trong nhận thức tình huống hay không? Thêm vào đó, J-7 cũng là loại máy bay hay xảy ra sự cố nên thường xuyên phải bảo dưỡng.