Cận cảnh những ngôi nhà "cô độc" cố bám trụ giữa mênh mông bụi đỏ đại công trường sân bay Long Thành
Trên đại công trường xây dựng sân bay Long Thành hiện vẫn còn khoảng 5 căn nhà đang bám trụ lại, vì chủ nhà chưa thỏa thuận được đền bù, chưa chịu tháo dỡ, bàn giao mặt bằng.
Những căn nhà sót lại giữa đại công trường sân bay Long Thành Đến thời điểm này, dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 cơ bản đã gần nhận đủ mặt bằng để triển khai các hạng mục quan trọng. Nhà thầu đang tất bật san lấp mặt bằng và thi công móng cọc để triển khai các hạng mục của sân bay, như đường băng, bãi đỗ xe, nhà ga... không khí nhộn nhịp bao trùm toàn bộ công trường.
Đa số người dân thuộc diện di dời đã rời đi, nhường đất xây dựng sân bay Long Thành. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 5 căn nhà tồn tại, trơ trọi giữa đại công trường. Nguyên nhân là do chủ của những căn nhà này đang xin, đòi các quyền lợi về tái định cư, nhưng do chưa được như ý muốn nên không chịu di dời.
Đây là hình ảnh căn nhà của bà Đỗ Thị Yến (65 tuổi, ngụ ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn), hộ chưa chịu tháo dỡ bàn giao mặt bằng theo quy định. Bà Yến là một hộ nghèo, sinh sống ở địa phương đã hàng chục năm và cuộc sống khá khó khăn. Do đó, hiện tại bà Yến vẫn đang chờ xin 1 suất tái định cư, để có thể xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Nhà bà Yến hiện nay đã bị đất và bụi bao vây tứ bề, nhưng bà Yến vẫn sinh sống hằng ngày mặc cho cuộc sống khó khăn, thiếu thốn.
Tương tự nhà bà Yến, nhà ông Ngô Quang Hạnh cũng bị đất lấp cao hơn nóc nhà, không còn xác định được đâu là lối vào nhà.
Bên trong căn nhà của ông Hạnh cũng chỉ còn lại bụi và đất phủ kín khắp mọi nơi. Gia đình ông Hạnh cũng đã rời đi nhưng vẫn chưa chịu tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng.
Nhà cửa không còn ai trông coi nên hai bên hông nhà đất đá tràn vào trong, tôn lợp nhà đã rỉ sét hư hỏng nặng.
Gần đó, gia đình bà Hoàng Thị Thúy cũng là một trong những hộ dân cố để nhà bám trụ lại đến phút cuối cùng trên đại công trường
Gia đình bà Thúy có 300m2 thổ cư và được huyện Long Thành phê duyệt bốc thăm tái định cư vào lô đất nhà vườn theo nguyện vọng gia đình (diện tích từ 250m2 trở lên). Dù vậy, huyện Long Thành ra thông báo 5 lần nhưng gia đình bà Thúy không chịu đến bốc thăm, không chịu dỡ nhà...
Còn ông Lê Minh Quang, cũng là người đang sống giữa đại công trường, cho biết cuộc sống gặp nhiều khó khăn, bụi bẩn do công trình bao quanh, đường sá xuống cấp. May mắn là còn điện, nước sinh hoạt. Ông nói vì không có nơi để đi nên gia đình ông đành ở lại giữa đại công trường. Chiếc xe máy cùng ông Quang mưu sinh hằng ngày đã bị nhuốm bụi đỏ dày cộm, nhưng ông Quang vẫn khẳng định phải được bốc thăm lô tái định cư mới rời đi.
Tất cả những căn nhà còn lại trên đại công trường dù trơ trọi, thiếu thốn, bị bụi bao vây nhưng chủ nhà vẫn chấp nhận.
Chiếc đồng hồ điện còn sót lại lắm lem bụi đất.
Chú chó không còn sủa khi phát hiện có bóng dáng người lạ, mà chỉ nằm ngơ ngáo nhìn ra ngoài.
Đồ đạc, dụng cụ sinh hoạt nhuốm bụi trên đại công trường
Hộ dân còn lại này cố trồng thêm rau dưa, cải thiện bữa ăn.
Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho biết đến cuối tháng 3/2023, đã có gần 4.000 hộ dân nhường đất cho dự án sân bay Long Thành được bố trí tái định cư. Ngoài ra, còn có 198 hộ khác đang tiếp tục được các cơ quan chức năng rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ để tổ chức bốc thăm vị trí đất tái định cư. Bên cạnh đó, thông qua công tác xét duyệt, Hội đồng tái định cư cấp xã đã xét không đủ điều kiện bố trí tái định cư đối với 709 hộ dân khác thuộc khu vực dự án.
Đối với những hộ dân chưa chịu di dời, đang có nhà trên đại công trường xây dựng sân bay Long Thành, ông Tiếp nói rằng địa phương đã rất nhiều lần đến tận nơi vận động, thuyết phục người dân ra khỏi đại công trường. Theo ông Tiếp, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân, nhưng nếu vẫn không được sẽ tiến hành cưỡng chế, buộc di dời.