Chiều 9/4, hàng trăm chủ đầu tư quán karaoke tại Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành trong cả nước như TP.HCM, Thanh Hoá, Bắc Giang, Hải Phòng… đã cùng nhau ký vào đơn kiến nghị gửi các các cấp sau việc thực hiện quy định về PCCC, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh karaoke.
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Bùi Thị Thu Hà, đại diện cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở Thanh Hóa, cho biết, trong tỉnh có khoảng 838 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, từ trước đến nay vẫn hoạt động bình thường có sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng PCCC trên địa bàn.
Tuy nhiên, sau khi Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 "về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH trên phạm vi toàn quốc" thì hầu hết các cơ sở đều bị dừng hoạt động, đình chỉ hoạt động với kết luận là các cơ sở không đảm bảo đầy đủ các điều kiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đồng thời yêu cầu khắc phục các tồn tại thiếu sót, tồn tại về PCCC.
"Tất cả các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh đã chấp hành nghiêm việc tạm dừng hoạt động, đình chỉ hoạt động để tiến hành khắc phục theo đúng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc phải dừng hoạt động từ cuối năm 2022 đến nay, cộng với việc dừng hoạt động trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19 đã làm các doanh nghiệp karaoke gặp muôn vàn khó khăn", bà Hà chia sẻ.
Theo bà Hà, mỗi phòng hát, các cơ sở đầu tư trung bình cho hệ thống PCCC, lối thoát hiểm, trang trí âm thanh hết khoảng 500 triệu - 1 tỉ đồng. Trong đó, chưa kể đến tiền thuê mặt bằng, chi phí bảo trì hàng tháng, nhân viên... nên khi khi áp dụng theo thông tư QCVN 06:2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình thì đồng nghĩa với việc các cơ sở phải phá bỏ toàn bộ nội thất làm lại từ đầu, nhiều quán karaoke sẽ phải đập bỏ và phá sản. Mỗi cơ sở bị phá sản sẽ kéo theo hàng chục lao động thất nghiệp.
Bà Hà cũng cho biết thêm, hiện nay nhiều cơ sở đã phải gồng gánh vay mượn tiền khắp nơi, thế chấp sổ đỏ ngân hàng để nâng cấp cơ sở vật chất, làm mới hệ thống PCCC, nâng cao chất lượng dịch vụ thu hút khách hàng, nhằm bù đắp lại thiệt hại rất lớn do dịch gây ra nhưng vẫn chưa thể mở cửa trở lại.
Vượt quãng đường hàng nghìn km ra Hà Nội, ông Trần Xuân Dũng (đại diện cho các cơ sở kinh doanh karaoke ở TP.HCM) cho biết, ông phải di chuyển ra Hà Nội gặp mặt những chủ cơ sở karaoke khác trên cả nước để cầu cứu lên các cơ quan chức năng.
Ông Dũng cho biết, ngành nghề kinh doanh karaoke đã trải qua 2 năm khó khăn về dịch bệnh nên vô cùng khó khăn về tài chính. Đầu năm 2022, khi dịch bệnh được khống chế, các cơ sở được mở lại, nên nhiều chủ quán đã đi vay mượn đầu tư để sửa sang lại cơ sở, vật chất.
Theo ông Dũng, hiện nay trong TP.HCM có khoảng hơn 400 cơ sở karaoke bị đóng cửa. "Riêng tôi đầu tư cho 4 cơ sở karaoke, mỗi cơ sở khoảng 10 tỉ đồng, cộng thêm tiền thuê mặt bằng khoảng 500 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhân viên bảo vệ trông coi, tiền lãi suất ngân hàng, kể ra như thế mới thấy thiệt hại nhiều như thế nào.
Các loại tiền thì không được miễn giảm, để duy trì quán trong lúc đóng cửa, tôi buộc phải đi vay ngân hàng, giờ không vay được nữa, chuẩn bị tuyên bố phá sản", ông Dũng nói và cho hay đây là tình trạng chung của các quán karaoke khu vực TP.HCM.
Ông Nguyễn Đăng Sỹ, chủ quán karaoke idol số 16 Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: "Các trang thiết bị máy móc không được vận hành sẽ hỏng hóc, hao mòn đi, cùng với đó là tiền thuê nhà, tiền lãi suất vay kinh doanh từ nhiều nguồn tài chính, cứ đà này không bao lâu nữa chúng tôi sẽ rất khó khăn".
Theo ông Sỹ, hoạt động karaoke cũng là hoạt động kinh doanh như các ngành nghề khác, luôn muốn được tuân thủ pháp luật, hoạt động theo những quy định pháp luật cho phép. Hiện nay, Hà Nội có hơn 1.000 quán karaoke bị đóng cửa nên cần phải tìm cách tháo gỡ cho hoạt động kinh doanh này tránh lãng phí, gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư và dẫn đến các hệ lụy không tốt cho xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, tại chương trình phiên họp 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/4, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an xin tiếp thu các kiến nghị của Ban Dân nguyện nêu trong báo cáo.
Cụ thể là việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy, chữa cháy; tháo gỡ các bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, cần nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh trong trường hợp có điều kiện về an ninh trật tự thì cần tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định phòng cháy, chữa cháy.
"Nếu chúng ta hạ mức các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy thì hậu quả liên quan là rất lớn, liên quan đến tính mạng và tài sản của người dân", ông Hùng nói và cho biết, trong trường hợp cụ thể thì Bộ Công an sẽ tiếp thu để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền để có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung theo từng trường hợp cụ thể.
"Vấn đề ở đây là phải tăng cường tính tự giác trong chấp hành, tuân thủ quy định phòng cháy, chữa cháy, người đứng đầu các cơ sở trọng điểm về chính trị, văn hóa, xã hội và các hộ kinh doanh cá thể phải thường xuyên có ý thức tổ chức kiểm tra việc đảm bảo quy định phòng cháy, chữa cháy, phối hợp tốt trong việc thẩm định, rà soát và bổ sung kịp thời các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy để phòng ngừa", ông Hùng nhấn mạnh.
Trước những thắc mắc liên quan, Bộ Xây dựng cũng đã vừa chủ trì tổ chức cuộc họp, mời Công an TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan họp bàn, rà soát những khó khăn, vướng mắc, những "nút thắt" trong việc áp dụng QCVN 06:2022/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn cháy cho nhà và công trình).
Hội nghị có sự tham gia của Viện Khoa học Công nghệ xây dựng, Viện Kiến trúc quốc gia, Cục quản lý hạ tầng kỹ thuật, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục quản lý hoạt động xây dựng, Vụ pháp chế thuộc Bộ Xây dựng, Công an Thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan.
Đại diện Công an Thành phố Hà Nội cũng nêu xuất các giải pháp để sửa đổi, bổ sung trong quy chuẩn, tiêu chuẩn thời gian tới nhằm tháo gỡ một số "nút thắt" của quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thực tế áp dụng, điển hình như:
1. Nghiên cứu, bổ sung quy định về khoảng cách bố trí giữa 2 thang bộ thoát nạn tính theo đường chéo đối với hành lang an toàn; cho phép không quy định chiều rộng khe hở giữa các vế thang bộ thoát nạn trong trường hợp công trình được trang bị hệ thống họng nước chờ khô; đây là một trong những giải pháp có thể tháo gỡ cho nhiều dạng công trình phù hợp với các yêu cầu kiến trúc, kết cấu.
2. Nghiên cứu, cho phép áp dụng các giải pháp tăng cường đối với công trình cao đến 25m được bố trí 01 thang bộ thoát nạn an toàn; cho phép chiều rộng vế thang tối thiểu 0,7m được phép áp dụng đối với một số loại công trình đặc thù có quy mô nhỏ dưới 300m2/ sàn, số lượng người tập trung thấp dưới 20 người/ tầng.
3. Hướng dẫn, làm rõ quy định để cho phép sử dụng cầu thang bộ loại 3 đối với cơ sở kinh doanh karaoke (tại mục A.4.3 QCVN 06:2022/BXD quy định "lối ra thoát nạn từ mỗi tầng nhà kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải được dẫn vào buồng thang bộ với cửa ngăn cháy loại 2"), vì đây là thang bộ an toàn.
4. Hướng dẫn, chỉnh sửa quy định ngăn hành lang thành những đoạn nhỏ hơn 60m bằng vách ngăn cháy để xác định yêu cầu bảo vệ chống khói theo phụ lục D QCVN 06:2022; không cần thiết phải quy định cơ cấu tự động đóng đối với cửa các gian phòng khi cửa mở vào hành lang bên khi đã được thoát khói trực tiếp.
5. Cần nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định về kích thước bãi quay xe, tránh xe quy định tại QCVN06:2022/BXD phù hợp với thực tế thông số phương tiện xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện nay được trang bị cho các địa phương.
6. Nghiên cứu chỉnh sửa quy định yêu cầu trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các công trình độc lập theo hướng không quy định cơ sở phải trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà; chỉ quy định cấp nước chữa cháy bên ngoài đối với hạ tầng khu đô thị, khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, gắn với quá quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, cải tạo theo hạ tầng cơ sở chung.
Sau khi nghe các đơn vị phát biểu ý kiến, nêu xuất các giải pháp, trao đổi, thảo luận, đại diện Bộ Xây dựng ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Công an Thành phố Hà Nội trong việc nghiên cứu các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, đồng thời tham mưu các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, chủ đầu tư.
Bộ Xây dựng giao Vụ Khoa học Công nghệ sẽ phối hợp với các Vụ, Cục chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng sẽ khẩn trương tập hợp, tham mưu, trước mắt sẽ có hướng dẫn về việc triển khai, áp dụng QCVN 06:2022, đồng thời tiếp tục nghiên cứu những quy định còn bất cập để chỉnh sửa, bổ sung trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.