Việc các tài liệu tuyệt mật bị phát tán trên mạng, trong đó có các chi tiết từ hệ thống phòng không của Ukraine đến cơ quan tình báo Mossad của Israel, đã khiến giới chức Mỹ muốn gấp rút tìm ra nguồn gây rò rỉ, Reuters đưa tin.
Các quan chức cho biết nhiều chủ đề được đề cập trong các tài liệu, liên quan đến xung đột ở Ukraine, Trung Quốc, Trung Đông và châu Phi, cho thấy một người Mỹ đã làm rò rỉ những tài liệu này, chứ không phải một đồng minh.
“Theo trọng tâm hiện tại, đây là một vụ rò rỉ của Mỹ, vì nhiều tài liệu chỉ nằm trong tay Mỹ”, Michael Mulroy, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, nói với Reuters.
Các quan chức Mỹ cho biết cuộc điều tra đang ở giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, giới chức điều tra cũng không loại trừ khả năng khác.
Vụ rò rỉ tài liệu mật này được coi là một trong những vụ xâm phạm an ninh nghiêm trọng nhất kể từ khi hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao xuất hiện trên website WikiLeaks vào năm 2013.
Nói với Reuters hôm 9/4, hai quan chức Mỹ cho biết họ không loại trừ khả năng các tài liệu này có thể đã được chỉnh sửa để đánh lừa các nhà điều tra về nguồn gốc của chúng hoặc để phổ biến thông tin sai lệch nhằm gây hại cho lợi ích an ninh của Washington.
Cùng ngày, Lầu Năm Góc nhắc lại rằng họ đang xem xét vụ việc và đã chính thức chuyển hồ sơ tới Bộ Tư pháp yêu cầu điều tra.
Giới chức đang xem xét động cơ nào mà một quan chức Mỹ hoặc một nhóm quan chức có thể làm rò rỉ thông tin nhạy cảm như vậy, một quan chức nói với Reuters.
Vị này cho biết các nhà điều tra đang xem xét 4 hoặc 5 giả thuyết, từ một nhân viên bất mãn đến mối đe dọa nội bộ, khi một người muốn tích cực muốn phá hoại lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị phát tán trên mạng Internet chứa thông tin liên quan tới gần như mọi ngóc ngách của bộ máy tình báo Mỹ.
Trong đó, một số ảnh chụp được cho là tài liệu mật của Mỹ và NATO về cách thức hỗ trợ Ukraine đối phó với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đã được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội như Twitter hay Telegram.