Dân Việt

Vua chúa thủa xưa ăn uống, chuyện Trần Nhân Tông ăn cơm hẩm, vua Gia Long nhà Nguyễn ăn mắm tôm

Lê Tiên Long 16/04/2023 05:02 GMT+7
Hiếm có sách vở ghi lại cụ thể vua chúa ăn gì, nhân dân ăn uống ra sao để đời sau được biết.
Sử sách Việt xưa thường ghi vắn tắt, kể cả viết về chính sự, nên ngày nay muốn tìm hiểu về một vấn đề cụ thể khá khó khăn, như chuyện ăn mặc, xây cất nhà cửa thời xưa ra sao. 

Chuyện ăn uống cũng vậy, hiếm có sách vở ghi lại cụ thể vua chúa ăn gì, nhân dân ăn uống ra sao để đời sau được biết.

Chuyện vua chúa thủa xưa, Trần Nhân Tông ăn cơm hẩm, vua Gia Long nhà Nguyễn ăn mắm tôm - Ảnh 1.

Vua Khải Định chủ tọa buổi tiệc đãi các quan lớn tại điện Cần Chánh, kinh đô Huế. Ảnh: Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.

Sử sách nước ta chỉ ghi lại những chi tiết cụ thể khi có những sự việc lạ, trong đó chỉ lẻ tẻ ghi lại một số chi tiết liên quan đến ăn uống, tuy không đầy đủ, nhưng cũng cho người đời sau vài nét về đồ ăn thức uống của các bậc vua chúa thời xưa.

Vua Lê Hoàn mời sứ Tống ăn thịt trăn

Ngoài những truyền thuyết về các món ăn truyền thống được gán ghép vào thời Hùng Vương trong huyền sử như bánh chưng, bánh dày, chuyện ăn uống xa xưa nhất của vua Việt được ghi chép lại có lẽ ghi từ thời vua Lê Hoàn. 

Chuyện không chép trong sử nước ta, mà có trong sử nhà Tống bên Trung Quốc, khi phái đoàn sứ giả do Tống Cảo làm chánh sứ và Vương Thế Tác làm phó sứ sang nước ta gia phong cho Lê Hoàn thêm hai chữ “đặc tiến” năm 990, sau khi đã phong nhà vua làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải Tiết độ sứ Kinh triệu quận hầu 3 năm trước đó.

Tống sử ghi lại lời kể của các vị sứ giả, cho biết vua Lê Hoàn mở tiệc chiêu đãi sứ thần nhà Tống tại bãi sông, để chủ và khách vừa ăn yến, vừa xem múa hát, lấy trò bắt cá làm vui. Giữa bữa yến tiệc, Lê Hoàn tuy là vua, nhưng tự cởi mũ áo, bỏ giày, đi chân không lội xuống nước đâm cá. Các quan dự tiệc cũng cởi đai, mũ, đi chân không lội xuống nước tham gia trò đâm cá theo vua.

Không mô tả chi tiết các món ăn trong bữa yến tiệc, các vị sứ giả chỉ kể lại câu chuyện độc đáo là sau bữa tiệc ở bến sông, nhà vua cho người khiêng một con trăn lớn, dài vài trượng đến sứ quán, nói với sứ giả rằng: "Nếu ăn được, sẽ cho làm cỗ để mời". Sứ khiếp sợ, không dám nhận. Từ chi tiết này, có thể suy đoán rằng, nếu nhà vua mời sứ Tống ăn thịt trăn thì chắc rằng đây cũng là món nhà vua thường hay ăn.

Khi đi chiến trận cơm hẩm vua cũng ăn

Trong thời chiến tranh, việc ăn uống không tiện lợi, nên vua quan có thể ăn bất cứ loại thực phẩm gì tìm được. “Đại Việt sử ký toàn thư” có kể câu chuyện vua Trần sẵn sàng ăn cơm gạo hẩm khi đánh giặc vào mùa đông năm 1284, khi quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai. 

Khi biết tin quân giặc với lực lượng hùng hậu tràn qua biên giới, xét thế lực bất lợi, triều đình nhà Trần bỏ kinh thành Thăng Long rút quân về Vạn Kiếp. 

Khi vua Trần Nhân Tông ngự thuyền nhẹ ra Hải Đông, chiều rồi mà vẫn chưa ăn cơm sáng. Có người lính là Trần Lai dâng cơm gạo xấu cho vua ăn, vua khen là trung, rồi ban cho chức thượng phẩm, kiêm chức tiểu tư xã xã Hữu Triều Môn ở Bạch Đằng.

Còn khi đất nước yên ổn, chuyện ăn uống trong cung đình nhà Trần cũng có sự gần gũi, ấm cúng như ở ngoài dân gian. 

Sử viết, thời vua Trần Thái Tông, nhà vua từng xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình, vua tôi cùng ăn uống với nhau. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau.

Các món quà vặt của vua

Qua bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”, có thể lẻ tẻ nhận ra những món quà mà các vua nhà Trần dùng ngoài bữa chính, như trong hội nghị bàn về kế sách đánh quân Nguyên khi chúng chuẩn bị sang xâm lược nước ta lần thứ hai ở bến Bình Than, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản không được dự bàn thì vua Trần Nhân Tông ban cho quả cam, mà sau đó vì tức giận, Hoài Văn hầu bóp nát trong tay. 

Còn lúc đất nước bình yên, thì vua Trần Thái Tông cũng từng ban quả muỗm cho các quan. Đến khi quân Mông Cổ sang xâm lược nước ta lần thứ nhất (1257), viên quan tiểu hiệu là Phạm Cự Đà, vì trước đó không được chia muỗm, nên buông lời vô lễ: “Quân giặc ở đâu, nên đi hỏi những người nào được ăn muỗm ấy". 

May cho Cự Đà là sau khi giặc tan, vua mở lòng nhân từ xét rằng: "Kể tội Cự Đà đáng lẽ phải giết cả họ, nhưng đời trước cũng có việc tên Dương Châm, vì không được ăn thịt dê, làm cho quân nhà Tống đến nỗi bị thua. Thế thì cái tội Cự Đà tức là lỗi ở quả nhân, nghĩ nên tha tội chết cho nó, và cho đi đánh giặc để chuộc tội".

Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi chuyện đời vua Trần Nhân Tông, khi nhà vua giảng hòa cho hai viên quan là Lê Tòng Giáo và Đinh Củng Viên, đã nói rằng: “Các ngươi dùng con rươi, quả quýt đi lại, đưa tặng lẫn nhau thì có việc gì?”. Sử không nói rõ vua có ăn các món quà đó không, nhưng ít nhất vua có nhắc đến, chứng tỏ đây cũng không phải là món đồ xa lạ trong bếp “ngự thiện” của nhà vua.

Các vua uống rượu

Sử nhà Trần có ghi lại chuyện vua Trần Anh Tông vì uống rượu xương bồ mà ngủ say đến qua bữa ăn trưa. 

Đúng sáng hôm đó Thượng hoàng Trần Nhân Tông về kinh, đi xem khắp cả cung điện mà không thấy vua đâu, mới nổi giận trở về phủ Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan sáng hôm sau phải đến họp ở Thiên Trường để điểm mục, ai trái lệnh sẽ xử tội. 

Khi tỉnh rượu, Trần Anh Tông mới nhờ được người học trò là Đoàn Nhữ Hài cùng mình đến Thiên Trường, dâng biểu tạ tội, Thượng hoàng mới cho Anh Tông làm vua tiếp. Nhờ đó, Trần Anh Tông đã bỏ được thói quen say sưa uống rượu.

Tuy nhiên, đến Trần Dụ Tông lại là vị vua nghiện rượu, ông thích uống rượu đến mức thường rủ các quan cùng uống thi, ai uống thắng được ông thăng chức. Có vị quan Chính chưởng phụng ngự cung Vĩnh An là Bùi Khoan dùng mẹo lừa vua rằng uống được trăm thăng, Dụ Tông tin là thật, thưởng tước hai tư để dự thăng trật. 

Không những nghiện rượu, Trần Dụ Tông còn thích cờ bạc, bỏ bê triều chính, khiến triều Trần dần rơi vào suy vong, chẳng bao lâu sau, chính quyền rơi vào tay nhà Hồ.

Sử sách cũng chép về các vị hôn quân như Lê Long Đĩnh, Lê Uy Mục, Mạc Mậu Hợp đều là những người nghiện rượu. Trong đó Lê Uy Mục được mô tả dã man đến mức “hằng đêm đều cùng cung nhân uống rượu, khi say thì giết chết tất cả”.

Chúa Trịnh ăn cá trắm

Thời vua Lê chúa Trịnh, sử sách ít chép chi tiết về hành trạng, sinh hoạt thường nhật của vua, chúa. Tuy nhiên, trong cuốn bút ký “Vũ trung tùy bút” của tác giả Phạm Đình Hổ, truyện về Thám hoa Vũ Thạnh, người làm quan Bồi tụng (Phó tể tướng) trong phủ chúa Trịnh, được Chúa Trịnh Căn rất yêu mến, có kể lại việc ông được ăn cơm với chúa như thế nào. 

Chuyện là một ngày, gặp bữa ngự thiện, chúa xơi cá trắm rất ngon, liền sai lấy một khúc dọn cơm mời ông vào ăn ở trước mặt. Ông ăn cơm, nhưng để cá lại. Chúa lấy làm lạ bèn hỏi, ông thưa rằng: "Xin để dành đem về cho mẹ". 

Chúa rất khen, lại sai lấy khúc cá khác ban cho mẹ ông. Đến khi lấy ra thì chỉ còn khúc đuôi, ông ăn khúc đuôi ấy, để nguyên khúc trước đem về. Chúa lại càng lấy làm kính trọng lắm.

Vua Gia Long nhà Nguyễn đi trận thích ăn mắm tôm

Cũng như chuyện vua Trần Nhân Tông khi đi chinh chiến không nề hà thức ăn cao sang hay bình dân, thì vua Gia Long cũng là người chuẩn bị sẵn sàng món thực phẩm “dã chiến” cho mình. 

Bộ sử nhà Nguyễn “Đại Nam thực lục chính biên Đệ Nhất kỷ”, quyển I, chép rằng, khi vua ở ngoài, bữa ăn không có nhiều vị, thường dùng mắm tôm và bảy vị hồ tiêu, ớt, hồi hương, quế chi, tỏi, gừng, mơ đen (ô mai), tán nhỏ hòa lẫn với nhau, bữa nào cũng dùng, lại cho những người đi theo và bảo rằng: “Lam chướng ở rừng biển, ăn thức ăn này tốt lắm; vả để tỏ ta cùng các khanh tân khổ có nhau”.

Cho nên, sau này khi hưởng quyền quý, các vua luôn có những bàn tiệc chén ngọc bát vàng, đũa ngà bịt bạc, hàng trăm món cao lương mĩ vị, thì lúc chinh chiến hay chạy giặc, vua chúa cũng ăn những món thức ăn như người thường, nhất là khi bụng đã đói, thì đồ ăn thường cùng đều là đặc sản cả!