Đậu đũa là một loại rau quen thuộc với người Việt Nam nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi về lợi ích của đậu đũa với sức khỏe con người chưa?
Đậu đũa ngoài là loại thực phẩm phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam, chúng còn cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng với các đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn và có khả năng ngăn ngừa bệnh ung thư.
Khả năng chịu hạn của đậu đũa rất cao, có thể trồng trên mọi loại đất. Hạt giống nảy mầm và tăng trưởng nhanh. Sau 35 ngày có thể ra hoa và cho quả khoảng 2 tuần kế đó. Tùy theo giống và điều kiện gieo trồng mà năng suất và phẩm chất quả cũng sẽ khác nhau.
Ở Việt Nam, đậu đũa được trồng theo mùa vụ, gồm hai giống là:
Đậu lùn có thời gian sinh trưởng ngắn từ 70 – 75 ngày, năng suất thấp hơn đậu đũa leo. Thân cây cao từ 50 – 70 cm, quả dài từ 30 – 35 cm.
Đậu leo gồm nhiều giống như hạt trắng, hạt đỏ, hạt trắng đỏ, hạt đen và hạt trắng đen. Những giống này thân sinh trưởng vô hạn, khi canh tác phải làm giàn, quả dài từ 40 – 47 cm tùy theo giống.
Đậu đũa có rất nhiều công dụng, trong đó không thể không kể tới:
Đậu đũa ngừa ung thư: Các chất chống oxy hóa có trong đậu đũa như vitamin C, mangan và vitamin B2 sẽ phá hủy các gốc tự do, ức chế khả năng phát triển của các tế bào ung thư. Ăn đậu đũa thường xuyên cũng sẽ giúp bạn bổ sung đầy đủ lượng folate, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột kết, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư não và ung thư phổi.
Ăn đậu đũa giúp tăng cường sức khỏe tim mạch: Folate có khả năng giảm lượng homocysteine trong máu. Hàm lượng homocysteine trong máu quá cao có thể gây tổn thương lên lớp nội mạc của động mạch. Ngoài ra, chúng còn hình thành nhiều huyết khối hơn bình thường, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra những cơn đột quỵ, thuyên tắc phổi hoặc nhồi máu cơ tim.
Ăn đậu đũa giúp bảo vệ thai nhi: Phụ nữ mang thai nếu thường xuyên ăn những loại thực phẩm giàu folic acid sẽ giúp thai nhi giảm nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh cũng như hội chứng não phẳng Anencephaly hay tật nứt đốt sống. Folic acid cũng đóng vai trò quan trọng trong việc sao chép DNA và RNA, cùng với sự phân chia tế bào của thai nhi. Ngoài đậu đũa là thực phẩm có chứa folic acid, thì các loài thực vật họ đậu khác như đậu cô ve và đậu lăng cũng có chứa hàm lượng folic acid cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.
Đậu đũa giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ: Thiếu hụt magie có thể gây ra bệnh rối loạn giấc ngủ, khiến bạn dễ lo lắng, bồn chồn và ngủ không sâu. Cung cấp đầy đủ lượng magie cho cơ thể sẽ giúp thư giãn thần kinh, giảm lo âu và giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Ăn đậu đũa làm tăng cường khả năng miễn dịch: Đậu đũa khi luộc chín chứa nhiều vitamin B1 hơn đậu đũa tươi. Vitamin B1 (thiamine) rất cần thiết trong quá trình chuyển hóa carbohydrate từ thực phẩm thành các loại dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Thiếu vitamin B1 có thể dẫn đến rối loạn trao đổi chất kèm theo các hiện tượng như khó tiêu, giảm sút tiết dịch vị, tê phù…
Ăn đậu đũa giúp sáng mắt và phòng bệnh về mắt: Đậu đũa có chứa vitamin B1 và vitamin B2 giúp phòng tránh bệnh đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Ngoài ra, vitamin B2 trong đậu đũa còn giúp ngăn ngừa chứng đau nửa đầu, thiếu máu và bổ sung năng lượng cho cơ thể.
Ăn đậu đũa phòng ngừa bệnh loãng xương: Mangan và canxi có trong đậu góp phần vào việc củng cố xương chắc khỏe, ngăn ngừa ung thư xương. Bên cạnh đó, đậu đũa cũng chứa hàm lượng kali phong phú, 100g đậu đũa chín có thể cung cấp đến 20% nhu cầu kali cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Khoáng chất này sẽ giúp bạn tránh nguy cơ mắc bệnh loãng xương, cho xương cứng cáp hơn.
Ăn đậu đũa giúp làm chậm quá trình lão hóa da: Lợi ích của đậu đũa không chỉ riêng về sức khỏe mà còn tốt với làn da. Đậu đũa giàu vitamin C giúp loại bỏ các gốc tự do gây ra nếp nhăn, khô da và làm chậm quá trình lão hóa. Vitamin C không chỉ có ích cho da mà còn giúp các dây chằng, gân và mạch máu chắc khỏe hơn. Chúng cũng giúp đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương và hạn chế tình trạng sẹo thâm. Ngoài ra, ăn đậu đũa thường xuyên còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gout.
Hiện nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật có rất nhiều giống đậu đũa khác nhau ra đời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chính vì thế mà chúng có thể được trồng quanh năm ở nhiều vùng khác nhau.
Tuy nhiên thời vụ trồng đậu đũa tốt nhất vẫn là:
Vụ đông xuân: gieo hạt vào tháng 11 – 12
Vụ xuân hè: gieo hạt vào tháng 2 – 3
Vụ hè thu: gieo hạt vào tháng 5 – 6
Vụ thu đông: gieo hạt vào tháng 8 – 9
Chọn giống đậu đũa
Bạn nên chọn mua những hạt giống F1 có độ nảy mầm và năng suất cao đồng thời khả năng chống chịu sâu bệnh tốt cũng là ưu điểm của dòng giống này. Đặc biệt nên lựa chọn các cơ sở vật tư uy tín để mua được giống chất lượng nhất.
Chuẩn bị đất
Đậu đũa là loại cây không quá kén đất trồng tuy nhiên để chúng có thể sinh trưởng và phát triển mạnh nhất bạn nên chọn những loại đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất giàu dinh dưỡng, có độ chua vừa phải (pH từ 5,5 – 6,5).
Trước khi trồng cần xử lý cỏ dại cùng phơi nắng đất để làm sạch cỏ và mầm bệnh giúp cây có thể phát triển tốt. Đặc biệt nến bón lót bằng các loại phân hữu cơ hoặc trùn quế, phân chuồng hoai mục, phân gà, phân bò đã qua xử lý để cung cấp dinh dưỡng cho đất.
Đối với những gia đình chồng trong chậu hay thùng xốp nên chú ý tạo lỗ thoát nước tránh cây bị ngập úng.
Xử lý hạt giống và gieo trồng
Trước khi đem gieo trồng, hạt giống cần được ngâm trước trong nước ấm với tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh trong vòng 4 tiếng để hạt dễ nảy mầm. Sau đó đem hạt ủ vào khăn ẩm tới khi hạt đậu nứt nanh, có dấu hiệu nhú mầm mới đem đi trồng.
Kỹ thuật chăm sóc đậu đũa: Đậu đũa là cây có thể chịu hạn trong vòng đời của mình tuy nhiên bạn nên cung cấp đủ nước để có thể sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Bạn cần cung cấp đầy đủ nước cho hạt nảy mầm tốt, tưới ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều mát. Đặc biệt trong thời kỳ trước, ngay sau khi cây ra hoa, kết quả và nuôi quả lớn là thời kỳ cây cần nước nhất chính vì thế bạn nên cung cấp đủ nước cho chúng phát triển. Nếu thiếu nước trong giai đoạn này, hoa đậu đũa sẽ bị rụng nhiều, khả năng tạo quả thấp, và quả chậm lớn, không chắc thịt.
Sau khi gieo đậu đũa khoảng từ 60 – 70 ngày, cây sẽ cho thu hoạch lần đầu tiên. Bạn nên thu hoạch vào buổi sáng sớm để đảm bảo dinh dưỡng cao nhất. Nên thu hoạch đậu đũa khi hạt còn non, to như chiếc đũa tránh để già quá, quả sẽ bị xơ hóa, ăn không còn ngon đồng thời giá trị dinh dưỡng cũng sẽ giảm.