Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp đã được UBND TP.HCM ban hành, năm nay, việc tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 tại TP.HCM sẽ thực hiện hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến. Đặc biệt, đối với thi tuyển vào lớp 10, các nguyện vọng được đăng ký trên app TS10 HCM.
UBND TP quy định, phụ huynh và học sinh (PHHS) sẽ thực hiện 2 giai đoạn trong việc đăng ký tuyển sinh, gồm kiểm tra thông tin tuyển sinh, xác nhận nhập học trên hệ thống dữ liệu tuyển sinh đầu cấp của Sở GDĐT TP.HCM, tại địa chỉ https://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn và nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại trường sau khi đã xác nhận nhập học. Việc nộp hồ sơ thực hiện theo Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của địa phương.
Quy trình thực hiện đăng ký tuyển sinh đầu cấp đối với khối lớp 1 và 6 được Sở GDĐT TP.HCM hướng dẫn như sau:
Từ ngày 1/5 đến 10/5 (giai đoạn thử nghiệm): PHHS tìm hiểu và đăng ký thử nghiệm.
Từ 11/5 đến 31/5 (giai đoạn chính thức): Sở sẽ làm mới toàn bộ hệ thống (xóa tất cả dữ liệu đã đăng ký ở giai đoạn thử nghiệm). PHHS kiểm tra, rà soát thông tin và đăng ký tuyển sinh.
Trong thời gian này, PHHS truy cập vào hệ thống tuyển sinh đầu cấp bằng mã định danh và ngày tháng năm sinh đã đăng ký với chính quyền địa phương, cũng như các đơn vị giáo dục tại địa chỉ https://tuyensinhdaucap.
Khi rà soát thông tin dữ liệu của học sinh, nếu xảy ra các trường sai sót, PHHS phải liên hệ với phòng GDĐT hoặc trường đang học tại địa phương, để điều chỉnh lại thông tin. Trường hợp thông tin đã chính xác, PHHS chọn 1 địa phương (quận, huyện, TP.Thủ Đức) để đăng ký tham gia tuyển sinh.
Trong đó, địa phương tham gia tuyển sinh được chia ra làm 3 loại, gồm: theo địa chỉ thường trú; theo nơi tạm trú (nơi ở hiện tại); theo trường đang học. Hệ thống tuyển sinh trực tuyến sẽ tự động căn cứ vào dữ liệu tuyển sinh đã được lưu trữ, để tính ra ba loại địa phương nêu trên.
Lưu ý, sau khi bấm xác nhận đã kiểm tra, rà soát thông tin, dữ liệu của học sinh đăng ký tham gia tuyển sinh trên hệ thống, PHHS sẽ có 24 giờ để suy nghĩ, cân nhắc lại lựa chọn.
Nếu PHHS nhập mã OTP do hệ thống gửi về qua email hoặc số điện thoại di động, đồng nghĩa với việc hoàn tất việc kiểm tra, cam kết các thông tin trên hệ thống là trung thực, chính xác, và đồng ý đăng ký tuyển sinh với địa phương.
Ngược lại, nếu sau 24 giờ, PHHS không nhập mã OTP thì hệ thống xem như trường hợp này chưa được đăng ký.
Đặc biệt, nếu PHHS đã xác nhận mã OTP thì sẽ không thể thay đổi đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Trong trường hợp muốn điều chỉnh, PHHS cần liên hệ với địa phương đã gửi thông tin đăng ký tuyển sinh, để được hướng dẫn, giải quyết, đồng thời phải cung cấp đầy đủ hồ sơ, minh chứng để được trả hồ sơ trực tuyến về trạng thái ban đầu.
Riêng đối với việc đăng ký tuyển sinh lớp 10, PHHS phải tải app TS10 HCM để đăng ký các nguyện vọng. Đây là quy định bắt buộc cho cả thí sinh thi vào lớp 10 thường hay lớp 10 chuyên, tích hợp.
Theo kế hoạch, từ ngày 15/4, các trường THCS sẽ cung cấp tài khoản đăng ký nguyện vọng trực tuyến trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cho PHHS. PHHS cân nhắc và đăng ký nguyện vọng đến ngày 8/5. Sở GDĐT sẽ công bố số liệu đăng ký nguyện vọng 1 vào 16h ngày 12/5.
Trong thời gian từ ngày 15/5 đến ngày 21/5, phụ huynh học sinh sẽ thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký.
Điểm mới trong công tác tuyển sinh năm học 2023-2024 là TP.HCM triển khai thí điểm tuyển sinh bằng hệ thống thông tin địa lý (bản đồ GIS), thay vì phân tuyến theo địa giới hành chính phường, xã như trước đây. 3 địa phương thí điểm là quận 8, quận Tân Bình và TP.Thủ Đức.
Bản đồ GIS (Geographic Information System) là một công cụ để lưu trữ, quản lý, phân tích và hiển thị thông tin dựa trên vị trí địa lý. Bản đồ GIS được tạo ra bằng cách sử dụng các dữ liệu địa lý như tọa độ địa lý, độ cao, địa hình, hệ thống tọa độ, vùng đất và hành chính để tạo ra các lớp dữ liệu đa chiều.
Mục đích của việc tuyển sinh không phân tuyến theo địa giới hành chính phường như trước, là để học sinh được học ở trường gần nhà nhất có thể. Trong đó, GIS sẽ giúp PHHS xác định được vị trí, khoảng cách của trường lựa chọn.
Đối với lớp 10, hệ thống bản đồ GIS sẽ được tích hợp vào hệ thống đăng ký trực tuyến tuyển sinh, khi học sinh chọn các nguyện vọng, khoảng cách các trường sẽ hiện ra bên cạnh. GIS cũng nhắc nhở, cảnh báo học sinh cần cân nhắc, tránh chọn những trường quá xa nhà.
Thông tin từ Sở GDĐT cho biết, 3 địa phương được chọn thí điểm áp dụng bản đồ GIS để tuyển sinh đầu cấp đều rất đặc thù, nhưng nhiều năm qua đã linh hoạt trong tuyển sinh đầu cấp.
Trong đó, TP.Thủ Đức có quy mô lớn, số lượng phường nhiều, giáp ranh cả tỉnh thành khác, còn quận 8 có số lượng dân nhập cư không quá đông, trong khi quận Tân Bình gần như không có dân nhập cư... Việc áp dụng tuyển sinh theo hệ thống bản đồ GIS thay cho phân tuyến địa giới hành chính tại 3 địa phương đặc thù này sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, để triển khai đồng bộ trên toàn thành phố.