Dân Việt

Ngôi làng ven đô 400 năm tuổi gìn giữ nghề tạc tượng nức tiếng cả nước

Duy Huy 16/04/2023 07:36 GMT+7
Làng Vũ Lăng (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) nổi tiếng với nghề sơn, tạc tượng truyền thống. Nhờ đôi tay tài hoa và sự cần mẫn, mỗi năm, người Vũ Lăng đã tạo nên hàng nghìn bức tượng có giá trị nghệ thuật cao.

Video nghệ nhân làng tạc tượng Vũ Lăng chia sẻ về bí quyết tạc tượng. Thực hiện: Duy Huy.

400 năm giữ nghề truyền thống

Làng tạc tượng Vũ Lăng nằm ven Quốc lộ 21 cách trung tâm Hà Nội hơn 20km. Dọc đường làng, những đống gỗ lớn nhỏ xếp gọn gàng hai bên. Khắp làng, tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục, đẽo hòa vào nhau tạo thành một âm thanh rộn ràng.

Ông Nguyễn Công Tưởng - Trưởng thôn Vũ Lăng cho biết, nghề sơn tạc tượng xuất hiện ở Vũ Lăng từ rất lâu. Theo cuốn ngọc phả của làng, những pho tượng 300 – 400 tuổi trong chùa Võ Lăng là do chính những người thợ của làng làm ra.

Ngôi làng ven đô 400 năm tuổi gìn giữ nghề tạc tượng nức tiếng cả nước - Ảnh 2.

Nghề tạc tượng ở Vũ Lăng đã có từ lâu.

Nghề được lưu giữ theo hình thức cha truyền con nối, nên người Vũ Lăng ngay từ khi còn nhỏ đã làm quen với những dụng cụ làm nghề như dùi, đục, chạm... Trong bộ đồ nghề chạm khắc của người thợ Vũ Lăng, riêng bộ đục đã có tới hơn 30 chiếc, mỗi chiếc lại có những kích cỡ và công dụng khác nhau.

Chỉ với những chiếc dùi, đục thô sơ mà người thợ có thể "biến" những khúc gỗ vô hồn thành những Đức Ông phương phi đầy đặn, những vị Thánh Hiền từ bi hay những Chúa Ông dữ tợn.... Chính vì vậy người thợ Vũ Lăng còn được ví như người nghệ sĩ tạo hình.

Cho đến nay, ở Vũ Lăng có hơn 100 gia đình có 3-4 thế hệ làm nghề. Nghề sơn tạc tượng được lưu giữ theo hình thức cha truyền con nối.

Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Tâm sinh ra trong gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề tạc tượng nên ngay khi còn nhỏ, Nguyễn Tuấn Tâm đã thể hiện niềm đam mê cùng năng khiếu bẩm sinh với những nét chạm khắc uốn lượn, tinh xảo.

Ngôi làng ven đô 400 năm tuổi gìn giữ nghề tạc tượng nức tiếng cả nước - Ảnh 3.

Theo sử sách, nghề tạc tượng gỗ đã bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 16 và nghề ở đây cứ cha truyền, con nối đến tận bây giờ.

Đến nay, nhiều tượng Phật do ông chế tác đã có mặt trên khắp cả nước. Chính sự đam mê, niềm tự hào về truyền thống văn hóa của làng nghề tạo hành trang quý giá giúp ông Tâm nuôi dưỡng tình yêu nghề, 2 con trai của ông cũng được ông tâm huyết truyền nghề...

Nghệ nhân thổi hồn vào khúc gỗ

Để làm được một bức tượng bền, đẹp thì khâu quan trọng nhất là chọn gỗ. Loại gỗ được chọn để tạc tượng và các đồ thờ cúng thường là gỗ mềm, dễ đục, không bị mối mọt, nứt nẻ.

Ông Đào Trọng Điểm, thợ mộc lớn tuổi ở làng Vũ Lăng, cho biết: "Nếu nói về tượng làm đồ thờ chủ yếu làm 3 loại gỗ là mít, dổi, vàng tâm. Các gỗ khác không làm vì đồ thờ phải tinh khiết. Tạc tượng người ta đã có công thức tạc tượng. Ví dụ như tượng cao bao nhiêu, diện tích bao nhiêu, hay làm tượng đứng, tượng ngồi… đều có công thức rồi".

Ngôi làng ven đô 400 năm tuổi gìn giữ nghề tạc tượng nức tiếng cả nước - Ảnh 4.

Nghệ nhân Đào Trọng Điểm tay đục, tay dùi, miệt mài bên bức hoành phi.

Sản phẩm tượng của làng Vũ Lăng khá đa dạng như tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật bà Quan Âm, Phật Di Lặc, tượng La Hán… Để chế tác ra một pho tượng thành phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau như xẻ gỗ, đục phá, đục gọt, chỉnh sửa, quét đất sét, sơn lót, đánh bóng, sơn tượng...

Thời gian làm một pho tượng nhỏ thường mất từ 5 -7 ngày công, còn những pho tượng to phải mất vài tháng mới hoàn thiện.

Trong nghề tạc tượng, khó nhất là công đoạn sơn. Sơn cũng có thể coi là một nghề riêng vì đòi hỏi kỳ công, tốn khá nhiều thời gian.

Ông Đào Trọng Điểm Vũ Lăng chia sẻ thêm: "Khi tạc hình thù tượng xong thì làm vóc, tức làm nét các nét phải nhẵn, đánh bóng. Chúng tôi gọi là hom, tức là tạo các nét nhẵn, mài đi mài lại để bụi bay đi rồi sau đó mới sơn.

Ngôi làng ven đô 400 năm tuổi gìn giữ nghề tạc tượng nức tiếng cả nước - Ảnh 5.

Trong quy trình chế tác, đầu tiên các nghệ nhận sẽ đục, phát dáng tượng, đục các chi tiết, sau đó mài nhẵn tiếp đến chuyển qua giai đoạn sơn.

Công đoạn sơn phải mất 9 nước sơn mới hoàn thành, cẩn thận thì 10 nước sơn, xong rồi dùng sơn cầm để dán bạc vào hoặc dán vàng vào. Người ta gọi là sơn son thếp bạc, phủ hoàn kim. Làm tượng mất lâu thời gian vì diện tích to, làm kỳ công hơn làm đồ thờ.

Ở đây thợ nhận làm mộc ở các đình, chùa, di tích, nổi bật nhất là làm tượng ở chùa Một Cột ở Hà Nội, chùa Bái Đính tại Ninh Bình, chùa Keo ở Thái Bình", ông Điểm hào hứng kể.

Tùy theo yêu cầu của khách mà tượng được dát vàng hay dát bạc hoặc có thể để mộc. Tượng càng lớn, lượng vàng, bạc dát càng cần nhiều và càng kỳ công. Một pho tượng có thể cần dát vài ba chỉ vàng đến hàng cây vàng tùy vào nhu cầu của khách. Không chỉ làm tượng, những người thợ ở làng Vũ Lăng còn làm ra những sản phẩm đồ thờ tinh xảo.

Ngôi làng ven đô 400 năm tuổi gìn giữ nghề tạc tượng nức tiếng cả nước - Ảnh 6.

Những bức tượng thành phẩm dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng Vũ Lăng.

Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Tâm, ở làng Vũ Lăng, cho hay, làng nghề truyền thống tạc tượng ở miền Bắc nổi tiếng vẫn là làng Vũ Lăng. Tượng ở đây có nét riêng, độc đáo, có hồn, có thần sắc hơn tượng ở các nơi khác.

"Làng Vũ Lăng còn làm hoành phi, câu đối, cửa võng, đồ thờ cúng, nội thất ở trong chùa, đình. Thị trường ở khắp cả nước, cả trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí sang nước ngoài. Tôi có làm tượng cho một vài chùa ở Ukraine, Cộng hòa Czech", ông Tâm nói.