Vụ biệt thự 49 Trần Hưng Đạo sơn màu mới gây tranh cãi: "Nhà Hà Nội học" Nguyễn Ngọc Tiến nói gì?
Vụ biệt thự 49 Trần Hưng Đạo sơn màu mới gây tranh cãi: "Nhà Hà Nội học" Nguyễn Ngọc Tiến nói gì?
Hà Tùng Long
Thứ bảy, ngày 15/04/2023 13:01 PM (GMT+7)
Liên quan đến những ồn ào, tranh cãi trái chiều về màu sơn mới của ngôi biệt thự cũ kiểu Pháp ở số 49 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội... nhà "Hà Nội học" Nguyễn Ngọc Tiến đã có những chia sẻ với Dân Việt.
Chuyện biệt thự Pháp ở số 49 phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội tu bổ và sơn lại màu sơn đang gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng màu sơn không phù hợp, làm sai lệch hình ảnh gốc. Ông nghĩ sao về điều này?
- Thực ra không phải bây giờ mới xảy ra phàn nàn về những "tấm áo mới" khi trùng tu các công trình cũ. Năm 1992, Hà Nội trùng tu Tháp Rùa, người ta quét lớp vôi mới (không phải sơn), và ngay lập tức đã gây nên nhiều bàn tán xôn xao trong dư luận. Dư luận khi đó cho rằng, người ta bê một cái tháp ở đâu đó đặt vào Gò Rùa chứ không phải Tháp Rùa quen thuộc. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha còn làm thơ: "Nhìn em phấn son thâm quầng khách sạn/ Tội nghiệp như mầu vôi mới Tháp Rùa". Nhưng rồi theo thời gian, nắng mưa đã làm cho lớp vôi mới cũ đi, Tháp Rùa lại có màu thời gian và không còn ai xì xào nữa.
Việc trùng tu lại một ngôi biệt thự cũ kiểu Pháp có nhất thiết phải sơn lại đúng màu sơn của bản gốc hay không, thưa ông?
- Sơn màu như nguyên gốc hay tìm một mầu mới là do yêu cầu của chủ đầu tư. Tôi nghĩ chủ đầu tư cũng muốn màu như nguyên gốc.
Theo ông, yếu tố bắt buộc phải có khi phủ lại màu sơn cho biệt thự cũ này là gì? Việc nghiên cứu bản gốc nên được tiến hành như thế nào?
- Tôi cho rằng, yếu tố bắt buộc khi trùng tu các công trình kiến trúc có giá trị là như nguyên gốc. Tôi được biết, việc tìm lại thiết kế công trình này không khó vì chắc chắn ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia I vẫn còn lưu giữ hồ sơ.
Có người cho rằng, biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội về mặt kiến trúc vốn có chỉ là loại nhàng nhàng, có khả năng do một kiến trúc sư nhàng nhàng người Pháp thiết kế. Ông biết gì về lai lịch của biệt thự này?
- Theo cuốn "Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20" của Nguyễn Văn Uẩn thì biệt thự này xây vào đầu thập niên 30, thế kỷ 20. Chắc chắn biệt thự 49 Trần Hưng Đạo do kiến trúc sư người Pháp thiết kế vì khóa kiến trúc đầu tiên (1927-1931) của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chỉ có hai ông là Nguyễn Văn Ninh và Vũ Bá Dũng mở văn phòng. Nhưng hai ông đóng cửa sau 6 tháng hành nghề vì quyết định làm công công chức.
Khóa 1928-1933 có Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Như Tiếp mở văn phòng ở đường Richaud-Borgnis Desbordes (nay là Quán Sứ-Tràng Thi) nhưng hai kiến trúc sư này không thiết kế biệt thự này. Theo sách "Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20" thì biệt thự này có lẽ là của nhà buôn Hàn Tính, ông này chuyên buôn bò. Xây xong cho bác sĩ Nguyễn Viêm Hải thuê mở phòng khám bệnh.
Điều nhiều người nói đến nhất đó là số tiền bỏ ra để trùng tu ngôi biệt thự cũ này tới 15 tỷ đồng. Họ cho đó là một sự lãng phí. Ông nghĩ sao về điều này?
- Chúng ta luôn mong muốn gìn giữ những công trình cổ/cũ có giá trị về kiến trúc, lịch sử vì nó là tài sản của một địa phương hay quốc gia. Khi công trình xuống cấp, cần thiết phải trùng tu để bảo tồn, và trùng tu ắt phải tốn tiền thì lại cho lãng phí. Tôi nghĩ ở đây có sự mâu thuẫn.
Việc trùng tu các biệt thự cũ hiện nay thường vấp phải những ý kiến trái chiều. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
- Những ý kiến trái chiều thường xảy ra khi trùng tu các biệt thự công nhưng nếu nhất nhất trùng tu theo bản gốc mà vẫn có ý kiến trái chiều thì cũng đành… chịu.
Vậy cần phải giải quyết vấn đề này như thế nào cho hài hòa để việc trùng tu hoặc sơn mới một biệt thự không gây tranh cãi ồn ào?
- Khi trùng tu các công trình cổ/cũ nên theo nguyên gốc. Tôi biết ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia I vẫn lưu giữ rất nhiều hồ sơ thiết kế, phối cảnh các biệt thự cũ ở Hà Nội. Nếu không còn hoặc không có hồ sơ gốc thì khi thiết kế xong nên tham khảo các nhà chuyên môn có uy tín, trưng bày bản vẽ, phối cảnh lấy ý kiến xã hội. Còn nếu đã trùng tu theo nguyên gốc, đã lấy ý kiến trong xã hội, tham khảo các nhà chuyên môn có uy tín mà vẫn còn phản biện, ý kiến trái chiều thì câu chuyện lại sang một hướng khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.