Nông thôn Nam Định chuyển mình mạnh mẽ
Hưởng ứng Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhiều năm qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tích cực tham gia, triển khai sâu rộng, nhờ đó nông thôn Nam Định đã chuyển mình mạnh mẽ; đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, khang trang hơn…
Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho biết, năm 2022, đơn vị đã tổ chức 17 lớp tuyên truyền về vai trò của Hội Nông dân các cấp trong tham gia xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 cho trên 2.100 cán bộ, hội viên, nông dân tại 10 huyện, thành phố.
Hội Nông dân các cơ sở đã phát động hội viên nông dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường tại các tuyến đường tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình"; mô hình "Vườn kiểu mẫu", mô hình "Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài cánh đồng"; mô hình "Hàng cây nông dân"...
Đến nay, toàn tỉnh đã có 153/201 cơ sở triển khai xây dựng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình ở 1.455 chi Hội. 100% cơ sở Hội có mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các cấp Hội còn tích cực hưởng ứng chương trình "Trồng 1 tỷ cây xanh - vì một Việt Nam xanh".
"Điển hình như huyện Hải Hậu đã có 34/34 xã, thị trấn triển khai thực hiện, vận động trên 1.800 hộ đăng ký xây dựng mô hình "Vườn kiểu mẫu"; huyện Mỹ Lộc đã có 11/11 xã, thị trấn triển khai xây dựng mô hình thu gom và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn tại 72 thôn, xóm và tổ dân phố với 5.973 hộ được trang bị nắp và thùng dựng rác...", lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Nam Định thông tin.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Nam Định còn phối hợp với Sở TN-MT Nam Định triển khai xây dựng mô hình "Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình" tại xã Yên Lợi (huyện Ý Yên); phối hợp với Trung tâm Môi trường và phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) triển khai xây dựng mô hình tại xã Nam Tiến (huyện Nam Trực) với tổng số 415 hộ nông dân tham gia…
Từ những việc làm trên, các cấp Hội đã góp phần tích cực vào việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Nam Định. Năm 2022, tỉnh Nam Định đã công nhận 76 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; lũy kế đến nay toàn tỉnh có 182/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao.
"Các cấp Hội đã tích cực tham gia trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhất là tham gia các tiêu chí bảo vệ môi trường nông thôn…", lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho hay.
Hải Hậu tiên phong thực hiện mô hình "Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn"
Hải Hậu là 1 trong những địa phương tiên phong thực hiện mô hình "Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn". Mô hình được triển khai thí điểm tại xã Hải Lý vào năm 2018.
Từ kết quả mô hình được triển khai tại xã Hải Lý, Hội Nông dân huyện Hải Hậu đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn triển khai nhân rộng mô hình tới toàn thể cán bộ, hội viên, nhân dân trên toàn huyện, với tinh thần lấy sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên làm tiên phong thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) cho biết, những năm qua, nhiều mô hình bảo vệ môi trường được Hội Nông dân huyện Hải Hậu chú trọng triển khai trên địa bàn, do đó các mô hình, phong trào đã phát huy được hiệu quả.
Theo bà Hoa, để mô hình "Thu gom, phân loại rác thải tại nguồn" được nhân rộng, đạt hiệu quả, các cấp Hội trong huyện đã tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau về hiệu quả mà mô hình đem lại; tổ chức các buổi tham quan học tập tại các đơn vị làm tốt; mở các lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng thùng và hướng dẫn bà con sử dụng men vi sinh như Emic, Sumitri trong quá trình ủ rác.
Bên cạnh đó, hướng dẫn Hội Nông dân các xã, thị trấn thành lập "Tổ quản lý" để hướng dẫn kỹ thuật xử lý và phân loại rác thải tới hội viên, nông dân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá tiến độ thực hiện mô hình.
"Song song với xử lý rác thải hữu cơ bằng thùng ủ, Hội Nông dân huyện Hải Hậu còn triển khai xử lý rác thải hữu cơ bằng hố chôn lấp rác thải. Từ đơn vị xã Hải Lý, sau hơn 2 năm triển khai mô hình, đến nay 100% Hội Nông dân các cấp trong huyện Hải Hậu đã triển khai thực hiện", bà Hoa thông tin.
Bà Hoa chia sẻ thêm, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại hộ gia đình", nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo.
Điển hình như xã Hải Bắc đã tự chế ra nắp đậy bằng tấm bê tông cốt thép có kích thước 80cm x 80cm, có cửa bỏ rác 35cm x 35cm; nắp đậy đảm bảo kín không có mùi hôi phát tán; giá thành nắp đậy chỉ bằng một nửa giá thành của nắp đậy bằng vật liệu composite. Hoặc, xã Hải Trung làm nắp bằng tôn mạ khung sắt hộp có độ bền cao, chi phí thấp…
"Có thể nói, hiệu quả từ mô hình đem lại thiết thực, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư ở Hải Hậu", bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hải Hậu nhấn mạnh.
Đến nay, mô hình đã được nhân rộng trên địa bàn huyện Hải Hậu và trở thành phong trào sâu rộng trong các hộ gia đình hội viên nông dân.
Với những giải pháp đồng bộ, toàn diện, huyện Hải Hậu đang từng bước tăng cường hiệu quả xử lý rác thải ở khu vực nông thôn, cải thiện môi trường, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM kiểu mẫu "Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp để phát triển bền vững".