Theo đó, tại buổi giới thiệu sản phẩm du lịch Lạng Sơn vừa diễn ra, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh này cho biết, Lạng Sơn là tỉnh nằm ở khu vực Đông Bắc của Việt Nam, có nhiều lợi thế về sự kết hợp phong phú, hài hòa giữa vị trí địa lý, thiên nhiên, tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và chiều sâu văn hóa. Tỉnh được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc núi non hùng vĩ với nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng cùng truyền thống lịch sử lâu đời với nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh… tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu thống nhất cùng với đó là nhiều sản vật xứ Lạng phong phú, độc đáo.
Lạng sơn có suối Mỏ Mắm; chùa Tân Thanh; đền Mẫu Đồng Đăng; du lịch sinh thái cộng đồng xã Vũ Lăng; du lịch sinh thái danh thắng thác Bản Khiếng; sản phẩm du lịch leo núi tại xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng)… là những điểm đến hấp dẫn dành cho du khách.
Chia sẻ về những lợi thế của du lịch Lạng Sơn, theo ông Lưu Đức Kế, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và tư vấn du lịch Việt Nam, Lạng Sơn có quá nhiều tiềm năng như để văn hóa, ẩm thực, con người, cảnh đẹp thiên nhiên để phát triển du lịch. Tuy nhiên theo ông Lưu Đức Kế, Lạng Sơn vẫn cần đưa ra 4 giải pháp ưu tiên để phát triển du lịch, trong đó là đầu tư và nâng cấp cửa khẩu cũng như giao thông đường sắt cao tốc nối với Trung Quốc.
"Tôi đã tìm hiểu rất kỹ dự án phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, đây là dự án mới được tỉnh phê duyệt. Ở Lạng Sơn, trước mắt đối tượng khách nhắm đến khách nội địa và khách Trung Quốc. Cửa khẩu Tân Thanh có đến 70% là cửa khẩu là giao thương, nhưng trong một ngày sau khi giao thương, buôn bán giữa các thương lái của hai quốc gia đã hoàn tất thì đây cũng sẽ là chỗ để cho khách có thể vui chơi, nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực của Lạng Sơn.
Như chúng ta đã thấy, phía cửa khẩu của nước bạn, họ có hẳn phố ăn uống, có khu vui chơi, thậm chí là casino nhỏ, tham quan cửa khẩu 2 ngày đến 3 ngày, trong khi nhìn sang bên mình, cửa khẩu gần như im lìm, không có chỗ vui chơi, ăn uống, vậy không có lý gì mà Lạng Sơn không đầu tư cửa khẩu Tân Thanh. Lạng Sơn cần chọn nhà đầu tư, cho cơ chế để họ đầu tư thì tôi nghĩ rằng đó sẽ là điểm nhấn để khách Trung Quốc họ sang vui chơi, ăn uống, tham quan cửa khẩu Tân Thanh. Ở Lạng Sơn xây dựng rất nhiều sản phẩm, nghỉ dưỡng, lễ hội tín ngưỡng là đặc sắc, vùng biến giới mua sắm là cơ hội", ông Lưu Đức Kế cho hay.
Bên cạnh đó, ông Lưu Đức Kế cho rằng Lạng Sơn có một lợi thế để phát triển du lịch mà không phải tỉnh, thành phố nào cũng có lợi thế này, đó chính là đầu mối giao thông. Tỉnh Lạng Sơn có cột mốc biên giới km dài với 12 cửa khẩu, trong đó hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu đường sắt.
Lạng Sơn là điểm đầu của hai hành lang kinh tế là Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn - Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Lạng Sơn – Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh – Mộc Bài (Tây Ninh), có nên chăng Lạng Sơn và Lào Cai cho thí điểm mở đường làm đường sắt cao tốc với Trung Quốc. Với tỉnh Lào Cai, nước Trung Quốc họ đã làm xong đường sắc cao tốc và đang đợi phía mình làm xong. Nếu như Lạng Sơn làm đường sắt cao tốc thì tôi nghĩ đây sẽ là tuyến đường giao thông mang lại nhiều lợi ích kinh tế, không chỉ về giao thương hàng hóa mà còn là tuyến đường cho du lịch phát triển".
Ông Vũ Văn Tuyên – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cộng đồng, CEO Travelogy cho hay: "Lạng Sơn là tỉnh có diện tích công viên địa chất trải dài trên 5 huyện, trong đó có huyện Bắc Sơn, đây là huyện có cảnh quan, thiên nhiên tự nhiên vô cùng đẹp.
Hiện nay, du lịch cộng đồng được du khách nước ngoài quan tâm đó là Hà Giang và Cao Bằng, tại hai tỉnh này, du lịch cộng đồng đang làm rất tốt, vẫn giữ được bản sắc và cảnh quan thiên nhiên. Nếu như trước kia Sa Pa, những bản du lịch cộng đồng trước kia được du khách Tây yêu thích thì giờ đây du khách Tây lại ít đến bởi Sa Pa đang ngày càng bê tông hóa.
Còn Lạng Sơn đang là một trong những tỉnh hiện nay có những ngôi làng du lịch cộng đồng được nhiều doanh nghiệp lữ hành thị trường inbound hướng đến. Lạng Sơn là tỉnh thuận tiên về giao thông, nếu Lạng Sơn xác định được mục tiêu phát triển du lịch mô hình cũng, đầu tư, nâng cấp để hướng thị trường du khách đó đến với mình thì tôi tin Lạng Sơn sẽ là điểm đến nổi tiếng".
Nhiều ý kiến của các chuyên gia du lịch khác thì cho rằng, du lịch Lạng Sơn cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá dưới nhiều hình thức, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu trú nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, Lạng Sơn cần phát triển những sản phẩm "điểm nhấn" là du lịch cộng đồng, du lịch leo núi, du lịch biên mậu, du lịch tâm linh... một cách bền vững, tránh tình trạng đô thị hóa, bê tông hóa...