Hiện sách cổ của đền Quốc Tế đang được bảo quản tại nhà ông Nguyễn Bá Hải (ngoài cùng bên trái) - thành viên Ban Quản lý di tích đền Quốc Tế. Video: Hoan Nguyễn
Đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, Phú Thọ) là ngôi đền cổ, có tuổi đời khoảng 2.300 năm. Đền thờ Thánh Cao Sơn, người đã có công phò vua, giúp nước đánh tan quân Thục năm 258 trước Công nguyên; giúp nhân dân cấy cày, trồng lúa, ươm tơ, dệt lụa, săn bắn.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Hán Danh Ban (thủ từ đền Quốc Tế) cho biết, đền lưu giữ nhiều di vật quý hiếm như: Ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, kinh sách… Đặc biệt, đền Quốc Tế được biết đến là nơi lưu giữ nhiều đạo sắc phong nhất cả nước, với 40 sắc phong, thể hiện sự uy quyền của các vị vua, có tính độc bản. Đây là báu vật, niềm vinh dự, tự hào mà hiếm có ngôi làng, xã nào có được.
Bên cạnh đó, đền Quốc Tế cũng là nơi lưu giữ một khối lượng sách cổ đồ sộ viết bằng chữ Hán Nôm thể hiện những thần tích, thần sắc; phong tục tập quán, những bài lễ, bài cúng; tục săn beo, săn hổ; những địa bạ cổ; hương ước… ngày xưa.
Theo ông Tạ Đình Hạp (Ban Quản lý đền Quốc Tế), năm 1992, đền Quốc Tế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
"Nghiên cứu đạo sắc phong, sách cổ, đồ vật cổ ở đền Quốc Tế giúp chúng ta hiểu biết về địa lý, lịch sử, văn hóa dân gian vào thời kỳ nhà nước, xã hội lúc đó" - ông Hạp nói.
Theo ông Hạp, việc cất giữ, bảo quản, phát huy báu vật linh thiêng này mỗi nơi có những quy định riêng. Trước đây, các sắc phong ở đền Quốc Tế thường được cho vào ống tre, nứa, treo lên ở khu vực hậu cung, hoặc mái ngói của đền. Dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người dân trong làng vẫn luôn giữ gìn cẩn thận các sắc phong. Tuy nhiên, một số sắc phong cũng đã bị cũ, rách.
Sợ làm thất lạc hoặc bị kẻ gian nhòm ngó, người dân làng Dị Nậu đã bàn bạc, thống nhất phải cất giữ số sắc phong, cổ vật của đền Quốc Tế trong nhiều lớp bảo vệ. Số "báu vật" này được bảo quản trong một chiếc két sắt hiện đại gồm 2 lần chốt, hệ thống khóa, bảo mật và để ngay trong hậu cung đền Quốc Tế. Theo lệ làng, chỉ khi mở hội lớn, những sắc phong này mới được các bô lão trong làng đưa ra để thực hiện nghi lễ.
"Thế nhưng vào giữa tháng 5/2021, cả dân làng Dị Nậu đau xót khi có kẻ gian vào đền Quốc Tế, phá két sắt, lấy đi nhiều báu vật của làng là 39 sắc phong, 40 quyển sách cổ Hán Nôm, sổ ghi các xuất đình, địa bạ cổ, 3 chén cổ, 7 đĩa cổ. Tôi nhiều đêm mất ngủ, đổ một trận ốm nặng vì buồn, xót xa. Vụ trộm sắc phong, cổ vật xảy ra cho thấy, các đối tượng trộm rất táo tợn, tinh vi, có tổ chức. Đến nay, số sắc phong, sách cổ bị mất trộm vẫn bặt vô âm tín" - cụ Hạp nói.
May mắn trước đó, vào đầu năm 2021, xã Dị Nậu được Cục Lưu trữ 1 giúp phục chế lại những chỗ rách, hỏng của sắc phong tại đền Quốc Tế. Đồng thời, Cục Lưu trữ 1 cũng chụp lại, photo màu các sắc phong, đóng thành 2 quyển, dịch ra chữ quốc ngữ.
Theo ông Hán Danh Ban, ngay khi xảy ra vụ trộm sắc phong tại đền Quốc Tế, Công an huyện Tam Nông lập hồ sơ, không hiểu sao két sắt bị trộm phá là chứng cứ lại bị mang để ngoài trời, dãi nắng dầm mưa ở khu sân vườn của đền Quốc Tế.
Một số sách cổ còn sót lại được bàn bạc, thống nhất di chuyển về nhà của ông Nguyễn Bá Hải (thành viên trong Ban Quản lý đền Quốc Tế) ở xã Dị Nậu để bảo quản, cất giữ.
Hiện ở nhà ông Hải đang cất giữ một cuốn sách dày gồm hình ảnh 40 sắc phong, được in/phô tô màu, dịch chữ quốc ngữ; một số bản đồ cổ của làng; một số lượng lớn sách cổ chữ Hán Nôm được gói, bảo quản trong hòm gỗ sơn khô ráo, bên ngoài khóa chắc chắn, nhưng chưa được dịch sang chữ quốc ngữ.
Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ khẳng định, trước thông tin các sắc phong đền Quốc Tế bị mất trộm, nay lại thấy rao bán trên mạng ở Trung Quốc vào ngày 22/4, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ đã vào cuộc để xác minh, điều tra.
"Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo cụ thể gửi UBND tỉnh Phú Thọ trong việc khẩn trương hỗ trợ giúp xã Dị Nậu xác minh hiện vật rao bán có phải hiện vật gốc hay không. Đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần có sự sự can thiệp ngoại giao, có biện pháp thống nhất nhằm ngăn chặn, không để bán những hiện vật gốc, có giá trị tại các di tích bị mất trộm" - ông Thủy cho biết.
Từ việc sắc phong đền Quốc Tế bị mất trộm, ông Tạ Đình Hạp cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét lại tổng thể về công tác bảo tồn, quản lý, gìn giữ những báu vật. Những sắc phong của mỗi triều đại đều mang những giá trị về nghệ thuật thể hiện qua họa tiết, chữ viết, ấn triện, cách hành văn.
"Nhằm góp phần chung tay trong việc lưu giữ, bảo tồn những đạo sắc phong đang lưu giữ tại nhiều điểm di tích, các Ban quản lý di tích nói riêng, chính quyền địa phương nói chung cần có kế hoạch bảo vệ các sắc phong. Ngoài ra, phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện chương trình khảo sát, đánh giá, dịch thuật, tổng hợp hệ thống nhằm số hóa các sắc phong hiện còn. Chính điều này sẽ giúp cho nhiều ngôi làng có cơ hội phục hồi phiên bản sắc phong trong trường hợp bị mất trộm hay hư hỏng, thất lạc do nhiều nguyên nhân" - ông Tạ Đình Hạp bày tỏ.
Cũng theo ông Tạ Đình Hạp, hiện nay ông Hán Danh Ban là thủ từ đền Quốc Tế. Ông Ban trực tiếp trông coi, hương hỏa, dọn dẹp cho ngôi đền, nhưng chỉ được nhận hỗ trợ 36.000 đồng/tháng. Trong khi đó, ông Ban đã cao tuổi, đi lại quãng đường hơn 20km mới ra được UBND tỉnh Phú Thọ để lĩnh "chế độ" này. Có tháng, thủ từ bận việc đền hoặc ốm, không có con cháu chở đi, không ra kịp để ký nhận số tiền này, nhưng cũng không được ký gửi, chuyển gửi thanh toán bằng hình thức khác.
"Thiết nghĩ, tỉnh Phú Thọ nên nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ chi phí thiết thực hơn nữa đối với thủ từ, người trực tiếp trông coi điểm di tích, để vừa tạo động lực, vừa gắn trách nhiệm cao hơn của họ với công tác trông coi di tích, sắc phong" - ông Tạ Đình Hạp nói.