Vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán ở Trung Quốc: Để mất cắp cổ vật, trách nhiệm thuộc về ai?
Vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán ở Trung Quốc: Để mất cắp cổ vật, trách nhiệm thuộc về ai?
Hà Tùng Long
Thứ năm, ngày 13/04/2023 15:04 PM (GMT+7)
Liên quan đến trách nhiệm của người để xảy ra việc sắc phong bị đánh cắp tại các di tích, ông Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ đã có những trao đổi cụ thể với Dân Việt.
Chuyện sắc phong của Việt Nam, trong đó có một số sắc phong của đền Quốc tế xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ bị rao bán ở Trung Quốc đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Sở VHTTDL Phú Thọ đã có phương án nào để đưa sắc phong trở về?
- Sau khi nhận được thông tin công ty Thượng Hải Dương Minh phía Trung Quốc có rao bán sắc phong của Việt Nam, trong đó có một số sắc phong của Phú Thọ, chúng tôi đã có văn bản báo cáo ngay với UBND tỉnh Phú Thọ. Chúng tôi cũng đề nghị phía công an tỉnh, Sở Ngoại vụ có phương án xác minh thông tin sớm nhất. Trước tiên cần xác minh trang mạng rao bán sắc phong là sắc phong thật hay sắc phong giả. Nếu những sắc phong trên là thật, chúng tôi sẽ đề xuất phương án hồi hương sắc phong bằng con đường ngoại giao. Chúng tôi sẽ nhờ Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải có sự can thiệp, ngăn chặn việc bán đấu giá sắc phong trên mạng.
Ngày 21/5/2021, chúng tôi bị mất cắp số hiện vật tại di tích đền Quốc tế, xã Di Nậu. Kẻ gian đã phá két sắt lấy đi toàn bộ sắc phong của di tích. Công an tỉnh đã lập hồ sơ để điều tra, tìm ra những kẻ đã lấy cắp sắc phong. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm kẻ gian đánh cắp những cổ vật này.
Với sắc phong bị rao bán tại Trung Quốc, nếu là sắc phong thật của đền Quốc tế thì đây là hiện vật bị đánh cắp và đây là tài sản ăn cắp. Những người liên quan đến việc đánh cắp tài sản này là tội phạm, phải xử lý theo luật pháp Việt Nam.
Nếu bắt buộc phải mua lại sắc phong đang bị rao bán để hồi hương về với di tích thì Phú Thọ đã có phương án nào về ngân sách hoặc kết hợp với mạnh thường quân nào đó?
- Đây là câu chuyện chúng ta cần có sự bàn thảo giữa các bên. Một là phía cơ quan ngoại giao, hai là phía cơ quan quản lý nhà nước về di sản - văn hóa, ba là cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề an ninh. Cần có sự phối hợp để ứng xử một cách phù hợp đối với từng di sản, sắc phong bị mất cắp. Tôi nghĩ rằng, việc mua lại, chuộc lại những vật phẩm như: ấn triện, bình gốm, lư hương, tượng… nói chung là cổ vật thì hình thức xử lý sẽ khác.
Còn đối với sắc phong thì đó là văn bản triều đình phong kiến trước đây sắc phong cho các di tích để khẳng định giá trị linh thiêng của từng di tích thì chúng ta cần có cách ứng xử theo một hình thức khác. Chúng ta không thể mua giống như mua một món hàng được. Sắc phong tựa như giấy chứng nhận của triều đình phong kiến đối với việc sắc phong cho từng di tích thì chúng ta không thể mua bán theo cách thông thường.
Qua sự việc lần này, chúng ta rút ra được kinh nghiệm gì trong việc bảo tồn sắc phong nói riêng và cổ vật nói chung tại các di tích trên địa bàn?
- Ngay khi có sự việc mất cặp cổ vật tại di tích, chúng tôi đã có văn bản khuyến cáo các địa phương có di tích, nhất là những địa phương có sắc phong, có di vật, cổ vật cần có biện pháp bảo quản để tránh tình trạng kẻ gian lợi dụng sơ hở đánh cắp những cổ vật có giá trị. Mỗi di tích đều có những hiện vật mang giá trị khác nhau. Có di tích giữ những sắc phong rất quý, có những di tích có hiện vật rất quý… Tùy từng di tích mà chính quyền địa phương cần có những phương án bảo quản sắc phong, cổ vật một cách phù hợp để đảm bảo an ninh, an toàn.
Có ý kiến cho rằng, cần quy trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương trong việc bảo quản di sản, cổ vật tại các di tích. Do hiện nay nhiều cổ vật bị đánh cắp nhưng cuối cùng lại không ai chịu trách nhiệm và sự việc cứ thế tiếp diễn trong thời gian dài?
- Chúng tôi cho rằng, trong các vụ mất cắp cổ vật, sắc phong… trách nhiệm trước hết là do Ban Quản lý di tích. Bởi tất cả các di tích đều có Ban Quản lý do chính quyền địa phương thành lập ra. Tất cả các di tích trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều có Trưởng Ban Quản lý là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã.
Trong Ban Quản lý di tích có các thành viên để duy trì công tác bảo vệ, bảo quản, trùng tu, phục hồi, cũng như quản lý các hạng mục trong quần thể di tích, các hiện vật trong di tích và tổ chức thực hành các nghi lễ, phong tục tập quán có liên quan. Cho nên trách nhiệm của Ban Quản lý và chính quyền địa phương là rất lớn. Chúng tôi cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của Ban Quản lý trong việc nâng cao trách nhiệm trong việc bảo quản sắc phong, cổ vật và nhất là các tài sản trong di tích.
Xin ông cho biết, công tác kiểm kê di sản ở Phú Thọ được thực hiện như thế nào hàng năm?
- Chúng tôi kiểm kê di sản 5 năm một lần. Hàng năm chúng tôi có cập nhật, bổ sung, kiểm kê sự tồn tại, xuống cấp của từng di tích và các di sản phi vật thể để có phương án trùng tu, bảo tồn. Vừa rồi chúng tôi cũng rà soát kiểm kê lại những di tích có nhu cầu tu bổ để có phương án hướng dẫn các di tích tu bổ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.