Cùng với chủ trương thực hiện giảm biên chế giáo viên theo lộ trình, nhiều địa phương đã chủ động bố trí kinh phí để hợp đồng giáo viên hưởng lương từ ngân sách. Tuy nhiên, tâm lý chung của giáo viên là muốn ổn định công việc nên không mặn mà với vị trí giáo viên hợp đồng.
Độ vênh quá lớn
Cô Hồ Thị Hiếc, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) vừa trúng tuyển trong kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục của huyện. Chuyển từ giáo viên hợp đồng sang biên chế, thu nhập mỗi tháng của cô Hiếc có sự thay đổi rất rõ rệt, từ khoảng 4,3 triệu lên gần 11 triệu đồng.
Dù khối lượng công việc dạy – học, phụ trách bán trú… hàng ngày của cô không có gì thay đổi. Theo hướng dẫn của huyện Nam Trà My, lương giáo viên hợp đồng đều không được vượt quá mức 5,3 triệu đồng/tháng, dù là giáo viên hợp đồng theo chỉ tiêu biên chế.
Trước đó, ngoài mức lương 4,3 triệu đồng/tháng, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam tạo điều kiện để cô Hiếc nhận thêm 0,3% tiền quản lý học sinh cho giáo viên các trường bán trú. Vì vậy, sau khi đóng bảo hiểm xã hội, số tiền lương thực nhận của cô Hiếc vẫn giữ mức 4,3 triệu đồng.
Với các trường không có hỗ trợ 0,3% thì lương thực nhận của giáo viên hợp đồng chỉ ở mức 3,8 triệu đồng, sau khi đã đóng bảo hiểm xã hội. Thế nhưng, chỉ cần trở thành viên chức ngành Giáo dục, vào được biên chế, cô Hiếc hưởng thêm 140% lương, bao gồm 70% phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thu hút cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn.
Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam - nhận xét: “Dù giáo viên hợp đồng hay biên chế thì khối lượng công việc đều không thay đổi, cũng đảm bảo đủ định mức số tiết dạy/tuần, soạn bài, chấm bài, làm công tác chủ nhiệm, phụ đạo học sinh yếu…
Những đầu việc đó, mỗi giáo viên đều phải đảm nhận và thực hiện đầy đủ. Thế nhưng, mức chênh lệch thu nhập của một giáo viên hợp đồng và biên chế thì quá xa nhau. Điều này, dù ít dù nhiều, sẽ tác động đến tâm lý của thầy, cô giáo trong quá trình công tác vì không khỏi có sự so sánh, chạnh lòng”.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cho biết: “Với những giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu, nhà trường đều thực hiện các chế độ phúc lợi đầy đủ như giáo viên biên chế. Thế nhưng, có không ít giáo viên vẫn có suy nghĩ rằng các chế độ thưởng Tết… thì chỉ có những người trong biên chế mới được hưởng. Những thắc mắc như vậy vô hình trung đã tạo thêm khoảng cách giữa giáo viên biên chế và hợp đồng”.
Cô giáo N.T.T. dạy hợp đồng 2 năm nay tại một trường tiểu học ở quận Hải Châu (Đà Nẵng). Để đứng lớp 3 của Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã tạo điều kiện đăng ký tài khoản để cô T. tự học các mô-đun bồi dưỡng giáo viên. Mỗi năm, cô T. đều có 3 tháng không có lương, đó là 3 tháng hè, khi học sinh không đến trường.
Để giúp cô T. có khoản thu nhập trong thời gian này, nhà trường bố trí cô đứng lớp phụ đạo cho những học sinh phải học trong hè để thi lên lớp. Các dịp lễ, tết, cô T. cũng nhận thưởng ngang với mức thưởng của đồng nghiệp. Tuy nhiên, với thu nhập tăng thêm từ nguồn tiết kiệm chi, nhà trường sẽ hỗ trợ một phần chứ không được hưởng ngang bằng với giáo viên biên chế.
Với những giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế, thời gian hợp đồng chỉ tính từ tháng 9 của năm trước đến tháng 5 năm sau, khi năm học vừa kết thúc. Tuy nhiên, hợp đồng sẽ chấm dứt bất cứ lúc nào khi nhà trường tiếp nhận giáo viên trúng tuyển viên chức được phân công về trường.
Như Trường Tiểu học Núi Thành, hợp đồng lao động với 9 người từ tháng 9/2022 và sau đó kết thúc hợp đồng sớm với 7 trường hợp khi trường có giáo viên nhận quyết định về trường công tác. Trong 7 lao động này, có một số người không trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng viên chức nên sau đó đã chuyển sang dạy học tại trung tâm dạy thêm.
Trao quyền tự chủ
Rất nhiều địa phương như Đà Nẵng, Bình Định... dù vẫn thực hiện lộ trình giảm 10% biên chế/năm nhưng vẫn chưa áp dụng với ngành Giáo dục. Ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng - cho biết, đối với ngành GD-ĐT, Đà Nẵng vẫn đảm bảo và tăng biên chế để phục vụ công tác dạy - học. Quan điểm của Sở Nội vụ là các trường hạn chế tối đa việc hợp đồng lao động thời vụ đối với các vị trí chuyên môn, dù là hợp đồng trong chỉ tiêu ngân sách.
Chính vì vậy, các quận, huyện buộc phải tổ chức tuyển dụng hàng năm để đủ số chỉ tiêu biên chế được giao và gần như các trường chỉ hợp đồng giáo viên trong một năm học. Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn tuyển không đủ số chỉ tiêu do thiếu nguồn tuyển. Các trường học buộc phải sử dụng giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế. Với những địa phương thực hiện nghiêm túc trong tổ chức tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục, sẽ không có tình trạng giáo viên dạy hợp đồng ở một trường học trong nhiều năm liền như trước đây.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - cho biết: “Với ngành Giáo dục thành phố, hiện sử dụng chỉ tiêu biên chế của ngành Y tế. Trong tương lai, khi thực hiện lộ trình giảm biên chế nhưng vẫn phải đảm bảo định mức giáo viên/lớp, thành phố Đà Nẵng đã bố trí dự phòng ngân sách để hợp đồng giáo viên đảm bảo số lượng theo yêu cầu của quá trình triển khai Chương trình – sách giáo khoa mới.
Có thể năm nay, thầy cô này sẽ ký hợp đồng dạy học với trường A nhưng năm tới, trường A không có nhu cầu thì phải chuyển sang hợp đồng với một trường khác. Nhưng tâm lý của người lao động thì vẫn muốn ổn định nên có thể sẽ rất khó để hợp đồng đủ giáo viên theo nhu cầu”.
Theo ông Lê Trung Chinh, trong xây dựng đề án, Đà Nẵng sẽ phải tính đến phương án ổn định nhất cho người lao động để vẫn đảm bảo chất lượng dạy – học. Một cán bộ quản lý giáo dục tại Đà Nẵng cho rằng, khoảng cách thu nhập của giáo viên hợp đồng và biên chế chỉ có thể rút ngắn khi trường học được trao quyền tự chủ cả về tài chính và nhân sự. Chỉ khi trường phổ thông được trao quyền tự chủ, nhà trường sẽ có nguồn thu từ học phí để cân đối kinh phí trả lương cho giáo viên hợp đồng.
Thời gian hợp đồng với người lao động cũng có thể kéo dài hơn chứ không chỉ gói gọn trong một năm học như cách đang triển khai hiện nay. Lúc đó, giáo viên hợp đồng sẽ có sự gắn bó với đơn vị và có động lực để phấn đấu, cống hiến hơn. Phòng GD&ĐT Hải Châu đang xây dựng đề án thí điểm tự chủ ở khối lớp 1 tại một trường tiểu học trung tâm theo hướng này.
Cũng có cùng quan điểm như vậy, thầy Võ Đăng Chín cho rằng, trên thực tế, dù được giao quỹ lương hợp đồng trong chi tiêu trọn vẹn 12 tháng, nhưng các trường cũng không thể trả lương cho giáo viên hợp đồng trong 3 tháng hè được. Thậm chí, không thể hỗ trợ cho người lao động đóng bảo hiểm xã hội. “Điều này là rất khó cho các trường học, nhất là những trường học ở địa bàn vùng khó như trường chúng tôi. Giáo viên hợp đồng từ nhiều nguồn đào tạo, thậm chí là trái ngành, không đúng cấp học, không phải tất cả đều được đào tạo sư phạm” – thầy Chín cho biết.
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học – THCS Trà Nam đã làm tờ trình xin phép được hợp đồng giáo viên bắt đầu từ tháng 8 để có thể tham gia các hoạt động bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn. Cho dù thực tế năm học bắt đầu từ tháng 9 thì giáo viên mới đứng lớp. Nhưng để đảm bảo chất lượng dạy – học, giáo viên dạy hợp đồng cũng phải được tham gia bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn từ trong hè cùng với giáo viên biên chế.
Theo thầy Chín, nếu được tự chủ đối với khoản lương từ ngân sách, nhà trường có thể tự cân đối các đầu việc, để thay vì hợp đồng với 3 giáo viên thì có thể chỉ cần hợp đồng 2 người và tăng lương thêm để giữ chân người lao động.
Thầy Bùi Quang Ngọc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) - cho biết: Theo chính sách hỗ trợ nhân viên phục vụ nấu ăn cho các trường dân tộc bán trú của tỉnh Quảng Nam, thì một cấp dưỡng được hưởng 300% mức lương cơ bản, nghĩa là khoảng gần 4,5 triệu.
Trong khi một giáo viên hợp đồng có trình độ đại học chỉ khoảng 4 triệu, chưa trừ khoản đóng bảo hiểm xã hội. Nếu hợp đồng giáo viên có trình độ trung cấp, cao đẳng thì mức lương còn thấp hơn nữa. Vì vậy, các trường rất khó tìm nguồn giáo viên để hợp đồng và cũng rất khó giữ chân người lao động.