Dân Việt

Thị trường đất nền TP.HCM "dậm chân", vì sao các tỉnh lân cận giao dịch, mua bán tốt?

Gia Linh 04/05/2023 12:34 GMT+7
Phân khúc đất nền tại TP.HCM các tháng đầu năm 2023 khá ảm đạm khi lượng giao dịch sụt giảm, vì thiếu người mua. Trong khi đó, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai lại ghi nhận giao dịch đất nền tăng trở lại.

Giao dịch đất nền vùng tiệm cận chiếm ưu thế

Trong quý 1/2023, thị trường bất động sản trên toàn quốc rơi vào trầm lắng khi Ngân hàng Nhà nước siết cho vay tín dụng, tăng lãi suất và hạn chế giải ngân vào lĩnh vực bất động sản đã khiến thanh khoản thị trường chậm lại.

Đặc biệt, địa bàn được cho là "nóng" nhất của lĩnh vực kinh doanh mua bán nhà đất như TP.HCM cũng rơi vào cảnh "đóng băng" chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hàng loạt các yếu tố. Nhiều nhà đầu tư chạy về các tỉnh lân cận để tìm kiếm cơ hội.

Ông Phạm Anh Minh (45 tuổi, ngụ Linh Tây, TP.Thủ Đức) cho biết: "Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản tại thành phố ảm đạm, có người bán nhưng không ai mua. Một số giao dịch thực hiện được thì cũng xuất phát từ việc kẹt vốn, bán thu hồi, bán trả nợ, chứ không có dự án mới được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, tại các tỉnh vùng lân cận như Long An, Bình Dương hay khu Nhơn Trạch, Biên Hoà, Đồng Nai vẫn thu hút được người mua".

Thị trường đất nền TP.HCM "dậm chân", vì sao các tỉnh lân cận giao dịch, mua bán tốt? - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư về vùng ven săn đất nền giá rẻ. Ảnh: G.L

"Hiện nay, tâm lý người đi đầu tư như chúng tôi không còn quá đặt nặng vào phải mua đất ở TP.HCM cho dễ bán, gần… đấy là quan điểm trước kia, bây giờ không còn phù hợp. Hiện nay, các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai nằm cận kề TP.HCM, các quỹ đất mà doanh nghiệp chọn xây dựng nhà để bán rất đẹp, giá cả phải chăng và đặc biệt là thanh khoản tốt.

Tôi và nhóm bạn đầu tư đất ở Tân Uyên, Bình Dương khi vừa có đường vành đai đi qua, lại vừa từ thị xã lên thành phố nên giá đất tăng rất nhanh. Bây giờ, ưu thế là sinh lợi và phù hợp với túi tiền người dân, họ sẵn sàng bỏ ra mua đất ở Binh Dương để sinh sống rồi đi làm tại TP.HCM chứ không nhất thiết phải bám lấy các khu vực trung tâm", ông Minh cho hay.

Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và các vùng phụ cận quý 1/2023 mà DKRA Group vừa công bố, thị trường TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới và lượng tiêu thụ ghi nhận ở mức thấp so với cùng kỳ.

Trong đó, phân khúc đất nền chứng kiến sự trở lại hiếm hoi nguồn cung mới tại TP.HCM sau thời gian dài vắng bóng dự án. Những dự  án có pháp lý chuẩn chỉnh, tiến độ kịp thời và có sổ hồng, sở hữu lâu dài luôn được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Theo DKRA, trong quý 1/2023, phân khúc đất nền trong tại thị trường TP.HCM và vùng phụ cận ghi nhận 8 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 385 sản phẩm, giảm đến 79% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị trường đất nền TP.HCM "dậm chân", vì sao các tỉnh lân cận giao dịch, mua bán tốt? - Ảnh 3.

Giao dịch đất nền tại TP.HCM sụt giảm do thiếu nguồn cung mới và dòng tiền. Ảnh: G.L

Lượng tiêu thụ mới đạt 78 nền, giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng TP.HCM hiếm hoi xuất hiện nguồn cung mới sau thời gian dài vắng bóng dự án, đóng góp 13.8% vào tổng cung thị trường. Mặt bằng giá bán mới trong quý có mức tăng trung bình 5% - 7% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng tập trung ở những dự án hoàn thiện pháp lý và tiến độ hạ tầng tốt.

Đáng chú ý, thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở Long An và Bình Dương. Thanh khoản thị trường chủ yếu nằm ở tỉnh Bình Dương, ghi nhận số phân khúc được tung ra thị trường chiếm hơn 70% và tỉnh Đồng Nai là gần 20%.

Sự lựa chọn mới của nhà đầu tư đất nền

Theo nhiều nhà đầu tư, hiện nay mặc dù thị trường bất động sản trong quý 1/2023 có sự sụt giảm đáng kể và các nhà đầu tư kiêng dè hơn khi mua bất động sản. Nhưng từ đầu quý 2/2023 một số phân khúc bất động sản đã có tín hiệu khởi sắc trở lại.

Đơn cử, các dự án bắt đầu được nhiều chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án hay các sàng giao dịch tiến hành "chạy" chiến dịch maketting nhằm thu hút khách hàng. Nhiều phương án thanh toán, tiến độ, chiết khấu để nhà đầu tư xuống tiền, đặc biệt các dự án tại đô thị vệ tinh luôn được săn đón.

Thị trường đất nền TP.HCM "dậm chân", vì sao các tỉnh lân cận giao dịch, mua bán tốt? - Ảnh 4.

Dự báo, đất nền vẫn là kênh đầu tư bền vững trong thời gian tới. Ảnh: G.L

Theo dự báo từ DKRA Group, nguồn cung phân khúc đất nền trong quý 2/2023 sẽ tăng nhẹ so với 3 tháng đầu năm, dao động khoảng 450 - 600 nền, tập trung chủ yếu tại các vùng phụ cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang so với quý 1 nhằm kích cầu thị trường.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Giám đốc Kinh doanh Phú Đông Group cho biết: "Bình Dương là một trong những địa bàn giáp ranh với TP.HCM, có vị trí địa lý vô cùng đặc biệt. Với hạ tầng giao thông phát triển tốt, tập trung các khu công nghiệp kết nối vùng thuận lợi đã giúp cho tỉnh này phát triển nhanh chóng.

Các dự án bất động sản phát triển trên địa bàn tỉnh này cũng thu hút được nhà đầu tư bởi hạ tầng hoàn thiện, di chuyển đến TP.HCM, Đồng Nai hay Bình Phước đều thuận lợi, các khu công nghiệp đông đúc là nơi lý tưởng để làm việc. Ngoài ra, những dự án bất động sản đều được xây dựng bài bản, pháp lý minh bạch. Đặc biệt, với giá cả hợp lý, chất lượng tốt đã luôn tạo được thanh khoản thị trường nên là sự lựa chọn của nhiều người".