Dân Việt

Một loại trái cây Việt Nam vào siêu thị Aeon Nhật Bản rất ít, nhưng khi đông lạnh, họ mua liền 360 tấn

Hồng Phúc 19/04/2023 15:39 GMT+7
Giám đốc cấp cao phụ trách Bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam cho biết trái xoài Việt Nam xuất khẩu tươi sang Nhật Bản hạn chế, nhưng khi đông lạnh, riêng Aeon tiêu thụ khoảng 360 tấn mỗi năm. Sản phẩm xoài đông lạnh tại Aeon Nhật Bản đều là hàng Việt Nam.

Ông Keigo Yoshida - Giám đốc cấp cao phụ trách Bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam cho biết như trên tại hội thảo “Thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc trong tình hình mới”, diễn ra ngày 19/4 tại TP.HCM.

Hội thảo do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức.

Một loại trái cây Việt Nam vào siêu thị Aeon Nhật Bản rất ít, nhưng khi đông lạnh, họ mua liền 360 tấn - Ảnh 1.

Ông Keigo Yoshida - Giám đốc cấp cao phụ trách Bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam. Ảnh: ITPC

Theo ông Keigo Yoshida, thị trường tại Nhật Bản rất tiềm năng với doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần biết người tiêu dùng Nhật cần gì để chủ động tìm hiểu và chuẩn bị.

“Chẳng hạn với nông sản, chúng tôi luôn chú trọng độ tươi ngon của nông sản”, ông nói và cho biết với thời gian vận chuyển từ Việt Nam sang Nhật 6-8 ngày bằng đường thủy, đường hàng không chi phí quá cao thì có nhiều kỹ thuật để đảm bảo độ tươi ngon.

Ví dụ với xoài, Giám đốc cấp cao phụ trách Bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam cho biết toàn bộ xoài đông lạnh trong hệ thống siêu thị hiện nay đều nhập từ Việt Nam.

Một loại trái cây Việt Nam vào siêu thị Aeon Nhật Bản rất ít, nhưng khi đông lạnh, họ mua liền 360 tấn - Ảnh 2.

Trái cây tươi của Việt Nam trong siêu thị tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

“Xoài tươi xuất khẩu sang Nhật mỗi năm rất hạn chế. Nhưng khi đông lạnh, chúng tôi nhập 360 tấn xoài đông lạnh”, ông Keigo Yoshida nói. 

Ông Keigo Yoshida cũng cho biết thêm kỹ thuật đông lạnh của Nhật Bản đứng đầu thế giới. Xoài được làm đông lạnh từ Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Nhật. Việc này giúp tăng cường kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Nhật.

Theo ông Keigo Yoshida, nhu cầu tiêu dùng tại Nhật thay đổi nhanh chóng, sản phẩm xoay vòng nhanh, sản phẩm đa dạng để phục vụ được tất cả người dùng. Đặc biệt, người Nhật luôn chú trọng chất lượng của sản phẩm, trong bối cảnh hiện nay, họ đòi hỏi giá cả phải cạnh tranh.

Để đưa được hàng vào Nhật Bản, ông cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của các doanh nghiệp là phải tìm hiểu và phát triển sản phẩm theo nhu cầu thay vì sản xuất hàng loạt theo đơn đặt hàng như trước.

Một loại trái cây Việt Nam vào siêu thị Aeon Nhật Bản rất ít, nhưng khi đông lạnh, họ mua liền 360 tấn - Ảnh 3.

Trái cây Việt Nam tại chợ truyền thống. Ảnh: Hồng Phúc

“Có những mặt hàng như may mặc, da giày, thực phẩm ở Việt Nam sản xuất theo đơn đặt hàng, doanh nghiệp Việt vận hành nhận đơn với thông số kỹ thuật đưa sẵn. Tuy nhiên, theo tôi, tương lai cần chủ động điều tra thị trường, người tiêu dùng Nhật Bản từ thị hiếu, đánh giá phân tích dữ liệu, thế mạnh của doanh nghiệp để có những sản phẩm cung cấp cho thị trường Nhật”, ông nói.

Ông cũng gợi ý thêm, từ trước đến nay, các doanh nghiệp thường xuất khẩu theo container. Nhưng tương lai, các nhà bán lẻ cần nhiều sản phẩm trong một container để phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường.

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định, Nhật Bản là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường Nhật Bản hiện chỉ chiếm 2,7%.

Ông đánh giá đây là con số khiêm tốn dù Việt Nam đã ký kết và thực thi với Nhật Bản các FTA như (AJCEP, VJEPA, CPTPP, RCEP), và Hàn Quốc (AKFTA, VKFTA, RCEP). Hàng hóa Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc còn nhiều cơ hội mở rộng và tăng trưởng.

Thông điệp lớn từ đại diện đến từ Aeon dành cho các doanh nghiệp Việt là không phải chỉ xuất khẩu những sản phẩm mình làm mà cần đặt tâm thế xuất khẩu những sản phẩm có tính cạnh tranh, Nhật Bản đang có nhu cầu.