Dân Việt

Cổ phiếu của "ông lớn" Novaland bất ngờ bị đưa vào diện cảnh báo

Quốc Hải 19/04/2023 16:44 GMT+7
Cổ phiếu NVL của "ông lớn" Novaland bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đưa vào diện cảnh báo từ ngày 25/4, vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022 trễ hạn 15 ngày.
Cổ phiếu của "ông lớn" Novaland bất ngờ bị đưa vào diện cảnh báo - Ảnh 1.

Một trong các dự án nổi bật của "ông lớn" Novaland. Ảnh: NVL

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa chính thức công bố quyết định chuyển cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) vào diện cảnh báo từ ngày 25/4, do doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022 trễ hạn 15 ngày so với quy định.

Trước đó, ngày 17/4, Novaland đã có thông tin về báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Cụ thể, Novaland ghi nhận doanh thu hợp nhất gần 11.151 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.182 tỷ đồng, giảm lần lượt 25% và 36,85% so với cùng kỳ 2021, tương ứng hoàn thành 30% chỉ tiêu doanh thu và 33% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Novaland cũng đã công bố kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến của cổ đông bằng văn bản, qua đó các cổ đông thông qua tất cả 7 tờ trình với tỷ lệ xấp xỉ 72,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, tương đương 99,4% tổng số cổ phần biểu quyết hợp lệ.

Cổ phiếu của "ông lớn" Novaland bất ngờ bị đưa vào diện cảnh báo - Ảnh 2.

HoSE chính thức công bố quyết định chuyển cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) vào diện cảnh báo từ ngày 25/4.

Đáng chú ý, trong số các tờ trình này có việc phát hành riêng lẻ hơn 975 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 10.000 đồng/CP cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. 

Nếu chào bán thành công 100% lượng cổ phiếu, Novaland có thể thu về không dưới 9.750 tỷ đồng.

Ngoài ra, Novaland sẽ chào bán cổ phiếu mới với tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu giá bán không thấp hơn 10.000 đồng/CP. 

Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Novaland đạt gần 258.000 tỷ đồng, nợ phải trả là hơn 212.900 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 45.000 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, tổng nợ vay và nợ trái phiếu của Novaland là 64.869 tỷ đồng và tập đoàn này đã thanh toán được 1.985 tỷ đồng...

Một thông tin đáng chú ý khác cũng liên quan đến Novaland là việc "ông lớn" này đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng về việc giải chấp số tiền 2.498 tỷ đồng trong tổng số 5.537 tỷ đồng bị "đóng băng" tại ngân hàng.

Cụ thể, theo Novaland, ngày 31/12/2022, Novaland có 5.537 tỷ đồng bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng cho vay. Novaland đang đàm phán với các ngân hàng để giải phóng số tiền đang bị giới hạn sử dụng không đúng theo hợp đồng tín dụng.

Tính đến ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất (17/4/2023), Novaland đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng về việc giải chấp số tiền 2.498 tỷ đồng. Số tiền còn lại đang trong quá trình thảo luận và Novaland tự tin sẽ đạt được thỏa thuận với các ngân hàng còn lại.

Cổ phiếu của "ông lớn" Novaland bất ngờ bị đưa vào diện cảnh báo - Ảnh 4.

Một dự án khá nổi bật của Novaland.

Trước đó, trong đơn kiến nghị khẩn cấp gửi tới Thủ tướng để xin cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn pháp lý dự án và thanh khoản, Novaland cho biết, ngoài tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất đa số ngân hàng đều giữ lại tiền thu từ khách hàng của Novaland làm tài sản đảm bảo bổ sung, với khoảng 32.000 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng.

Vì vậy, Novaland khẩn xin Thủ tướng chỉ đạo ngân hàng tháo gỡ khó khăn, đồng thời chỉ đạo các địa phương hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, giúp tập đoàn sớm hoàn thiện pháp lý dự án tại Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và đặc biệt tại TP.HCM - nơi Novaland đang có tới 32 dự án bất động sản đang đầu tư bị ách tắc thủ tục.

Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lập tổ công tác làm việc với Đồng Nai, Bình Thuận để gỡ vướng cho các dự án, trong đó có các dự án quy mô "khủng" của Novaland.