Dấu ấn 30 năm khuyến nông Thủ đô
Ngày 2/3/1993, Nghị định số 13/1993 được Chính phủ ban hành đánh dấu sự hình thành hệ thống khuyến nông trên cả nước. Theo đó, trước khi hợp nhất thành Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hiện nay thì Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (cũ) và Trung tâm Khuyến nông Hà Tây được thành lập, đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu theo các nghị định của Chính phủ về khuyến nông (Nghị định số 13/1993, Nghị định số 56/2005) và theo chủ trương, định hướng của TP.Hà Nội và tỉnh Hà Tây.
Thời còn tỉnh Hà Tây, khuyến nông đã tổ chức thực hiện các chương trình khuyến nông trọng điểm, nổi bật phải kể đến các chương trình "Sản xuất giống lúa nhân dân", sind hóa đàn bò và nạc hóa đàn lợn.
Trong đó, chương trình "Sản xuất giống lúa nhân dân" được Trung tâm Khuyến nông Hà Tây triển khai trong 10 năm (từ năm 1997 - 2006) là một trong những điểm sáng của ngành nông nghiệp thời đó khi đã tạo ra hàng vạn tấn giống lúa chất lượng đưa vào sản xuất, đáp ứng trên 80% lượng giống cấp 1 cho sản xuất đại trà. Chương trình đã góp phần tăng năng suất lúa từ 41,5 tạ/ha năm 1997 lên 60,5 tạ/ha năm 2006.
Với những đóng góp tích cực, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và thành phố...
Cũng trong giai đoạn này, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, tập trung vào mũi nhọn 3 cây (rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, các loại hoa chất lượng cao) - 3 con (lợn hướng nạc, bò sữa, bò thịt và các loại thủy đặc sản) - 2 ngành nghề trọng điểm (bảo quản, chế biến nông sản và ngành nghề nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp bền vững).
Sau khi sáp nhập 2 đơn vị từ năm 2009 đến nay, hoạt động khuyến nông của Hà Nội đã có nhiều bước phát triển mới, tập trung xây dựng các mô hình hướng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, xóa đói giảm nghèo; phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông góp phần thực hiện tốt tiêu chí số 10 và 13 trong bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới…
Công tác xúc tiến thương mại luôn được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội quan tâm và đẩy mạnh. Hàng năm đều tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Hà Nội tham gia hội chợ tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước; tổ chức các diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tổ chức Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019 và lần thứ hai năm 2022 nhằm tuyên truyền giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản và sản phẩm làng nghề Hà Nội, đặc biệt là các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP đến với người tiêu dùng của Thủ đô và cả nước, thúc đẩy việc liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đến thời điểm này, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là đơn vị duy nhất có hoạt động Quỹ Khuyến nông. Từ chỗ chỉ có 5 tỷ đồng khi mới thành lập, đến hết năm 2022, tổng nguồn kinh phí của quỹ là hơn 213 tỷ đồng. Trong 20 năm hoạt động (2002 - 2022), quỹ đã giải ngân cho 4.332 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là 925,236.5 tỷ đồng.
MNguồn vốn từ quỹ đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 10.000 lao động nông thôn với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng (theo số liệu báo cáo của các hộ vay vốn). Giá trị sản phẩm của các phương án, dự án tăng từ 10 - 30% so với khi chưa được vay vốn từ quỹ.
Đi đầu chuyển đổi số
Ông Lê Hưng Quốc - nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, nguyên Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông đầu tiên của Hà Nội mong muốn khuyến nông Hà Nội phải vươn lên tầm cao mới, áp dụng mạnh mẽ số hóa, chứ không chỉ làm mô hình như ngày. Trước đây người nông dân chiếm lĩnh đồng ruộng, giờ phải chiếm lĩnh cả không gian mạng, phương thức tiếp cận phải mới, tạo ra giá trị cao hơn.
"Khuyến nông Hà Nội phải đi đầu trong chuyển đổi số, số hoá các lĩnh vực; đi đầu trong bán tín chỉ carbon. Nếu mỗi m3 gỗ, công trình khí sinh học đều có thể bán được tín chỉ carbon thì nông nghiệp Thủ đô sẽ phát triển rất bền vững.
Bên cạnh đó, mô hình phải có nông dân, doanh nghiệp tham gia, tức là phải thúc đẩy khuyến nông PPP (hợp tác công – tư), có sự tham gia của HTX kiểu mới, để khi mô hình kết thúc hỗ trợ thì có HTX tiếp tục duy trì, phát triển, gắn với xây dựng nông thôn mới" – ông Quốc góp ý.
Đại diện HTX Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ: Thời gian qua, với sự hỗ trợ kinh phí từ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, xã viên HTX đã mạnh dạn đóng góp cổ phần, kinh phí đầu tư mua máy bay không người lái, máy cấy, máy gieo sạ...
Theo bà con chia sẻ, thu nhập từ ruộng lúa áp dụng cơ giới hoá đồng bộ tăng từ 20 – 30%, tiết kiệm được gần 1 nửa lượng giống, vật tư nông nghiệp, giúp thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, giảm tổn thất sau thu hoạch, từng bước hình thành cánh đồng mẫu lớn...
Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Những nỗ lực phấn đấu của đơn vị trong suốt 30 năm qua đã góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi thời vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững.
"Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trên tất cả các lĩnh vực thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, tư vấn dịch vụ khuyến nông.., đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới" – bà Hương nói.