Dân Việt

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà bị cáo buộc 6 lần nhận hối lộ

Nhóm PV 20/04/2023 17:52 GMT+7
Trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần quản lý đường sông số 3, Viện KSND tỉnh Quảng Ninh truy tố ông Phạm Hồng Hà – cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long, kiêm Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long về tội “tham ô tài sản” và “nhận hối lộ” với cáo buộc 6 lần nhận hơn 700 triệu đồng tiền hối lộ.

Ngày 20/4, TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty CP Quản lý đường sông 3 (Công ty đường sông 3). 

Theo đó, Chủ tọa phiên tòa đã tiến hành xét hỏi các bị can Phạm Văn Phả - Chủ tịch HĐQT Công ty đường sông 3, Đỗ Công Hào - Giám đốc Công ty đường sông 3, Ngô Thị Thu Lư - Phó giám đốc Công ty đường sông 3, Phạm Hồng Hà - cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long kiêm Trưởng Ban quản lý (BQL) vịnh Hạ Long, Bùi Sĩ Giáp - Trưởng Phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan của BQL vịnh Hạ Long, Phạm Thái Dương - cựu nhân viên phòng cảnh quan – Ban quản lý Vịnh Hạ Long, Phạm Văn Chinh - Phó giám đốc Công ty đường sông 3 và Đoàn Duy Khánh -Giám đốc xí nghiệp dịch vụ cơ khí công trình Công ty đường sông 3 liên quan đến các hành vi phạm tội "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ".

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà bị cáo buộc 6 lần nhận hối lộ - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà (đeo khẩu trang trắng) khai báo nhân thân trước tòa. Ảnh: P.V

6 lần nhận hối lộ với số tiền hơn 700 triệu đồng

Theo cáo trạng, kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2021 Công ty đường sông 3 đã ký kết 18 hợp đồng với BQL vịnh Hạ Long, với tổng trị giá gần 70 tỷ đồng, gồm có 6 hợp đồng về công tác quản lý, bảo trì; 8 hợp đồng về công tác đầu tư, xây lắp và 4 hợp đồng về hoạt động cung cấp, vận chuyển nước.

Đối với 4 hợp đồng quản lý, bảo trì bớt xén khối lượng công việc, trước khi mở thầu, ký kết hợp đồng, theo chỉ đạo, thỏa thuận giữa cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà và Phạm Văn Phả giao cho nhân viên của hai đơn vị là Bùi Sĩ Giáp, Phạm Thái Dương phối hợp với Phạm Văn Chinh, Đoàn Duy Khánh đi khảo sát trước tuyến đường thủy nội địa để xác định trước khối lượng, giá trị công việc cần thực hiện và khối lượng, giá trị công việc thực tế không cần thực hiện, thống nhất tỷ lệ % khối lượng công việc bớt xén, không phải thực hiện từ 30% - 40%, gồm 9 hạng mục công việc không kiểm tra, phát hiện được việc bớt xén bằng mắt thường và vẫn đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà bị cáo buộc 6 lần nhận hối lộ - Ảnh 2.

Quang cảnh phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà cùng các đồng phạm. Ảnh: PV

Quá trình thực hiện hợp đồng, Phạm Văn Phả trực tiếp chỉ đạo Phạm Văn Chinh thực hiện việc bớt xén khối lượng 9 hạng mục công việc tại hiện trường theo tỷ lệ % khối lượng công việc không làm, tính toán trong quá trình đi khảo sát ban đầu. Chinh trực tiếp điều hành việc bớt xén khối lượng công việc, giao xuống cho công nhân xí nghiệp thực hiện và lập khống hồ sơ nghiệm thu toàn bộ giá trị hợp đồng.

Từ tháng 7/2019, khi về làm việc tại Công ty đường sông 3, Đoàn Duy Khánh theo chỉ đạo của Chinh, trực tiếp điều hành, giao cho công nhân xí nghiệp bớt xén khối lượng công việc và cùng Chinh hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu khống.

Phả giao cho Hào theo dõi khối lượng công việc thực hiện thực tế, khối lượng công việc bớt xén so với hợp đồng do Chinh, Khánh báo cáo lại; giao cho Lư phân khai khối lượng công việc thi công khống theo hợp đồng, làm hồ sơ thanh quyết toán khống.

Toàn bộ hồ sơ nghiệm thu, thanh quyết toán Chinh, Khánh, Lư lập khống chuyển cho Dương, Giáp, Hà ký hoàn thiện để chiếm đoạt tiền từ phần khối lượng công việc không làm. Sau khi được Ban Quản lý vịnh Hạ Long chuyển tiền thanh toán, Phả chỉ đạo Lư căn cứ tỷ lệ % thỏa thuận ban đầu tính toán ra số tiền cần trích lại cho từng người.

Bên trong phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UNBD TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà và 27 đồng phạm. Clip: Nhóm PV VPĐB.

Căn cứ hồ sơ, tài liệu các đối lượng đã lập hồ sơ nghiệm thu khống, tổng số tiền chiếm đoạt được qua 4 hợp đồng quản lý, bảo trì hơn 4,5 tỷ đồng. Theo thỏa thuận giữa Hà và Phả, để được phía Ban Quản lý vịnh Hạ Long giúp trúng thầu bằng cách sử dụng hồ sơ dự thầu "quân xanh", Hà yêu cầu Công ty đường sông 3 phải trích lại % giá trị hợp đồng cho Hà, Giáp.

Ngoài ra, Phạm Thái Dương – nhân viên BQL vịnh Hạ Long, cùng tham gia nên được Phả thống nhất trích lại 1%. Tổng số tiền Phả và các bị can thuộc Công ty đường sông 3 trích lại cho Phạm Hồng Hà, Bùi Sĩ Giáp và Phạm Thái Dương là 517 triệu đồng (trong đó Phạm Hồng Hà nhận 260 triệu đồng, Bùi Sĩ Giáp nhận 170 triệu đồng, Phạm Thái Dương nhận 87 triệu đồng).

Bên cạnh đó, với tỉ lệ % chia lại, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà bị cáo buộc đã 6 lần nhận hối lộ trực tiếp từ Phạm Văn Phả, với số tiền 725 triệu đồng (trong đó có 260 triệu đồng nhận tiền % trích lại) để giúp Công ty CP Quản lý đường sông 3 trúng các gói thầu về công tác quản lý, bảo trì, xây lắp và bớt xén khối lượng thi công… trên tuyến đường thủy nội địa do Ban quản lý vịnh Hạ Long làm chủ đầu tư. 

Cùng với đó, Bùi Sĩ Giáp bị cáo buộc đã 7 lần nhận tổng số tiền 732 triệu đồng, trong đó có 170 triệu đồng nhận tiền % trích lại. Phạm Thái Dương đã 9 lần nhận tiền tổng số hơn 168 triệu đồng từ lãnh đạo Công ty đường sông 3, trong đó có 87 triệu đồng nhận tiền % trích lại.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà bị cáo buộc 6 lần nhận hối lộ - Ảnh 4.

Trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh - nơi xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà. Ảnh: PV VPĐB

Chỉ đạo thông thầu, tìm "quân xanh"

Cũng theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà thời điểm đó kiêm chức Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long bị Viện KSND tỉnh Quảng Ninh bị cáo buộc chỉ đạo thông thầu, tìm "quân xanh" để thực hiện các chiêu trò để Công ty đường sông 3 trúng thầu.

Theo đó, cơ quan điều tra xác định, khoảng cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, qua nắm bắt thông tin, Phạm Văn Phả biết BQL vịnh Hạ Long chuẩn bị tổ chức đấu thầu một số gói thầu quản lý, bảo trì hoặc đầu tư xây lắp trên tuyến đường thủy nội địa do BQL vịnh Hạ Long quản lý nên đã tìm gặp Bùi Sĩ Giáp - nhờ giới thiệu gặp Phạm Hồng Hà để xin thực hiện.

Khi gặp nhau, Phạm Hồng Hà đồng ý tạo điều kiện để Công ty đường sông 3 trúng thầu với điều kiện phải trích lại % giá trị hợp đồng ký kết.

Sau khi đi khảo sát, Phạm Hồng Hà thống nhất với Phả rằng đối với các gói thầu quản lý, bảo trì bớt xén được khối lượng công việc thì phía công ty phải trích lại 5% giá trị hợp đồng cho Hà, 3%-5% giá trị hợp đồng cho Giáp. Các gói thầu đầu tư, xây lắp không bớt xén được khối lượng công việc, trích lại 3% giá trị hợp đồng cho Hà, 2% giá trị hợp đồng cho Giáp.

Sau đó, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long chỉ đạo Giáp làm đầu mối, trực tiếp phối hợp Công ty đường sông 3 hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục bảo đảm cho công ty này trúng thầu. Giáp chủ trì, chỉ đạo cấp dưới là Phạm Thái Dương, Nhân viên Phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan BQL vịnh Hạ Long trực tiếp làm hồ sơ theo yêu cầu trên của Hà.

Đông đảo người dân theo dõi phiên tòa liên quan đến cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Video: Nhóm PV VPĐB

Trước năm 2020, các gói thầu của Ban Quản lý vịnh Hạ Long có giá trị trên 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi và theo quy định phải có ít nhất 3 nhà thầu tham gia. Do vậy, từ chỉ đạo của cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long kiêm Trưởng BQL vịnh Hạ Long, Giáp hướng dẫn Phả tìm các công ty đối tác nhờ làm đơn vị dự thầu "quân xanh".

Đồng thời Giáp chỉ đạo Dương liên hệ, hướng dẫn phía Công ty đường sông 3 cách thức điều chỉnh nội dung hồ sơ dự thầu "quân xanh" với năng lực kém và giá dự thầu cao hơn so với hồ sơ dự thầu của Công ty đường sông 3 để đảm bảo Công ty đường sông 3 được trúng thầu.

Dương còn chuyển toàn bộ nội dung hồ sơ mời thầu của BBQL vịnh Hạ Long trước khi công khai đấu thầu cho Đỗ Công Hào - Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông 3 để Hào điều chỉnh cho phù hợp với năng lực, tiêu chuẩn của Công ty đường sông 3.

Phạm Văn Phả cũng đã trực tiếp liên hệ, nhờ Công ty đường thủy Quảng Ninh và Công ty Mạnh Hưng,… làm đơn vị dự thầu "quân xanh", cùng tham gia đấu thầu các gói thầu BQL vịnh Hạ Long làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, Phả giao cho Hào phụ trách chỉ đạo Phạm Văn Chinh và Ngô Thị Thu Lư và Đoàn Duy Khánh cùng hoàn thiện, điều chỉnh nội dung hồ sơ dự thầu của các đơn vị dự thầu "quân xanh". Trong đó, Lư điều chỉnh giá đấu thầu, Chinh, Khánh điều chỉnh năng lực, biện pháp thi công. Hào đã liên hệ gửi toàn bộ nội dung biểu mẫu dự thầu cho các đơn vị "quân xanh" để in ra, đóng dấu hoàn thiện và chuyển lại cho Công ty đường sông 3, đồng thời gửi kèm theo giấy giới thiệu của đơn vị "quân xanh".

"Đến ngày mở thầu, Hào đại diện phía Công ty đường sông 3, Lư và Khánh cầm theo giấy giới thiệu, giả danh đại diện của đơn vị dự thầu "quân xanh" cầm hồ sơ dự thầu lên đấu thầu. Giáp và Dương trong thành phần tham gia tổ xây dựng hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu của Ban Quản lý vịnh Hạ Long tiếp nhận, làm thủ tục cho Công ty đường sông 3 trúng thầu", cáo trạng nêu rõ.

Theo kế hoạch, phiên tòa xét xử sơ thẩm dự kiến kéo dài từ ngày 19 đến 25/4.

Theo cáo trạng, ngoại trừ cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà, 27 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty đường sông 3 đều có tình tiết giảm nhẹ khi hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình.

Tuy nhiên, do trong quá trình công tác cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long có nhiều thành tích xuất sắc được Nhà nước và các cấp tặng thưởng Huân chương và nhiều Bằng khen nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Cáo trạng cũng nêu rõ các bị can can Phạm Văn Phả, Đỗ Công Hào, Ngô Thị Thu Lư, Phạm Văn Chinh, Đoàn Duy Khánh, Phạm Thái Dương, Bùi Sĩ Giáp, Phạm Hồng Hà đều nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội nên phải chịu tình tiết tăng nặng "phạm tội hai lần trở lên".