Clip: Quy trình sản xuất quế HTX Tâm Hợi, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai
Những ngày này, đến với HTX Tâm Hợi tại thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng ấn tượng với chúng tôi không chỉ tấp nập những chuyến xe gắn máy chở đầy vỏ quế tươi bán cho HTX mà nơi đây còn đang nhộn nhịp âm thanh tiếng máy, cạo vỏ quế, tiếng cười của những công nhân miệt mài lao động. Mỗi người một công việc từ bào làm sạch lớp vỏ ngoài cho đến thu gom sản phẩm quế đã phơi khô để đóng gói chuẩn bị xuất khẩu.
Mặc dù đang bận rộn cân đo từng cân quế thu mua của bà con nông dân nhưng chị Tạ Thị Hợi, Giám đốc HTX Tâm Hợi vẫn tranh thủ từng giây, từng phút để chia sẻ cho chúng tôi nghe về câu chuyện đưa sản phẩm quế của nông dân Lào Cai vươn ra thị trường thế giới.
Chị Tạ Thị Hợi, Giám đốc HTX Tâm Hợi, kể: Năm 2017, gia đình tôi đã mạnh dạn thành lập cơ sở thu mua quế lấy tên 2 vợ chồng "Tâm Hợi". Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, mong muốn đưa sản phẩm quế quê hương vươn xa hơn. Năm 2021, HTX Tâm Hợi được thành lập, với 21 thành viên. Nhớ lại những ngày đầu thành lập, HTX gặp muôn vàn khó khăn, như cách thức sản xuất, điều hành, công nhân thiếu, nhà xưởng, kho bãi, hàng hóa… Đặc biệt là việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều thách thức.
Thế nhưng bằng sự chung sức đồng lòng của các thành viên trong HTX, chúng tôi vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm. Từng bước xây dựng cơ sở, vừa tổ chức các khâu sản xuất, vừa tìm khách hàng để có đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, HTX mới ký kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nhân dân.
Theo chị Hợi, do bà con hạn chế trong quá trình sản xuất hàng hóa làm ra nên không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Có những lúc HTX đã nhận đơn hàng rồi nhưng lại không đủ lượng hàng để mà xuất ra thị trường. Bên cạnh đó, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hàng hóa bị tồn đọng và việc thanh toán bị chậm…
Từng bước tháo gỡ khó khăn, sau khi HTX được Công ty TNHH MTV Sản vật nhiệt đới Việt Nam đứng ra để ký kết bao tiêu tất cả các sản phẩm quế do HTX làm ra. Từ đó, HTX yên tâm hơn về nguồn đầu ra, tập trung về khâu nguồn đầu vào.
Ngoài ra, HTX cũng đã thành lập các tổ, nhóm về các địa bàn vùng sâu, vùng xa hướng dẫn người dân cách thu hoạch, sơ chế, chế biến ra các sản phẩm thô. Sau đó mới đăng ký bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất của Công ty TNHH MTV Sản vật nhiệt đới Việt Nam. Từ nguyên liệu sáo đến cách phân loại sáo ngắn, dài, xòe. Sau đó, cắt theo kích thước…
Đến thời điểm này, đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm quế đang ổn định, với số lượng quế ngày càng lớn. Sản phẩm quế chủ yếu là xuất khẩu ra thị trường thế giới, còn trong nước thì số lượng ít hơn nhiều.
Hiện nay, HTX Tâm Hợi đã ký hợp đồng liên kết với 5 Tổ, nhóm nông dân (Tổ hợp tác) trồng quế với 97 thành viên. Cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm quế của các thành viên, với tổng diện tích 500 ha, sản lượng ước đạt từ 2.500 - 3.000 tấn quế tươi/năm. Giá cả theo thỏa thuận với các thành viên theo từng thời điểm, thanh toán tiền hàng tháng.
Ngoài ra, HTX thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tập huấn kỹ năng quản lý Tổ, nhóm; xây dựng quy chế hoạt động. Hướng dẫn kỹ thuật trồng quế, chăm sóc, thu hoạch vỏ quế; thu mua vỏ quế cho các Tổ, nhóm và nhân dân trên địa bàn có nhu cầu.
Cùng với đó, HTX ký hợp đồng liên kết với Công ty quế hồi Bảo Thắng chế biến các sản phẩm quế xuất khẩu cho thị trường quốc tế để tiêu thụ sản phẩm quế cho nông dân. Hàng năm, bao tiêu sản phẩm cho khoảng trên 600 ha quế, sản lượng từ 2.800 - 3.000 tấn quế tươi cho trên 100 hộ gia đình trồng quế trên địa bàn (ngoài 5 tổ nhóm nông dân).
Anh Nguyễn Văn Lợi, thôn Tả Hà 4, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng phấn khởi: Gia đình tôi có 20 ha quế hơn chục năm tuổi, hiện đã cho thu hoạch rồi. Gia đình tôi được HTX Tâm Hợi thu mua sản phẩm quế tươi, với giá dao động từ 18-24 nghìn đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay gia đình tôi đã bán được hơn 10 tấn quế tươi, thu về hơn 200 triệu đồng. Người dân chúng tôi bây giờ trồng quế có đầu ra ổn định nên rất yên tâm.
Để nâng cao năng lực sản xuất cho người lao động, tăng chất lượng sản phẩm, cải thiện nhà xưởng cho HTX. HTX Tâm Hợi đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ quy trình bào vỏ, cắt, đóng túi và đóng hộp sản phẩm. Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu với các sản phẩm phong phú, đa dạng như: Quế chẻ, quế ống sáo, quế điếu thuốc, quế sáo vụn, quế sáo xèo, quế trẻ thanh, quế vụn đen, bột quế….
Mỗi loại sản phẩm có những yêu cầu và tiêu chuẩn riêng và hiện tại HTX Tâm Hợi đã mở rộng thị trường xuất khẩu sang 9 nước như: Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Bangladesh, Dubai, Leban, Israel, Thổ nhĩ kỳ. Hằng năm cung cấp cho doanh nghiệp khoảng 1.000 tấn khô với doanh thu 80 tỷ đồng.
Để tiếp cận được các thị trường cao cấp, khó tính như EU, Mỹ, Nhật; hiện nay, HTX đang triển khai áp dụng quy trình trồng quế hữu cơ, với diện tích 1.500 ha tại các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà, Bảo Thắng...
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX Tâm Hợi không ngừng mở rộng cả về quy mô sản xuất nhà xưởng, hiện HTX có 3 cơ sở thu mua, chế biến quế cho bà con trên địa bàn toàn tỉnh, với diện tích hơn 1,5 ha. Các sản phẩm phong phú, đa dạng, mỗi sản phẩm lại đáp ứng những yêu cầu và tiêu chuẩn riêng.
Với số lượng lao động tại địa phương chủ yếu là chị em phụ nữ chân yếu, tay mền phải vất vả đi làm thuê, làm mướn, thậm trí còn phải rời quê để đi các thành phố lớn tìm kiếm việc làm mưu sinh. HTX Tâm Hợi còn thu hút lao động địa phương có thêm việc làm ổn định, đồng thời, chia sẻ cách phát triển kinh tế dựa vào cây quế như trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế quế, tiêu thụ… Nhờ vậy, đã giúp bà con tận dụng nguồn đất đai, nhân công, tạo được nguồn nguyên liệu hàng hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Đến nay, HTX Tâm Hợi tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 50 lao động địa phương (chủ yếu là lao động nữ), lúc cao điểm lên khoảng 70 người, với mức thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, tùy theo sản phẩm người lao động làm ra.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, Tổ dân phố 9, thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, chia sẻ: Trước đây tôi đi làm việc trong Công ty khoáng sản Việt - Trung. Tuy nhiên, hiện nay do Công ty đang tạm hoãn hợp đồng khiến bản thân rơi vào tình cảnh mất việc làm, không có thu nhập để nuôi 2 con ăn học. Nhờ có HTX Tâm Hợi đã tạo điều kiện cho tôi vào đây để làm việc. Ở đây tôi được mọi người hướng dẫn cách làm bào quế, bó quế, phân loại quế. Chúng tôi làm việc ở đây công việc rất ổn định, tôi làm công nhật nên một ngày công tôi có thể kiếm được từ 200 - 300 nghìn đồng.
Khi tham gia vào HTX Tâm Hợi, các thành viên cũng như người lao động được hướng dẫn về kỹ thuật từ công dụng, cách sử dụng một số dụng cụ, máy móc, thiết bị sơ chế, chế biến các sản phẩm quế có chất lượng cao; quy cách, mẫu mã đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường, phổ biến nguyên tắc vệ sinh và an toàn trong lao động.
Chị Nguyễn Thị Nga, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng là một trong những thành viên của HTX Tâm Hợi, chị đã gắn bó cùng HTX từ nhiều năm nay. Chị Nga, bảo: Khi tôi tham gia vào HTX tôi đã được các thành viên chia sẻ kinh nghiệm trong khâu sản xuất quế. Công việc của tôi chủ yếu là bào quế, đồng thời, giúp các chị em công nhân phơi, buộc, đóng gói quế… Công việc ở đây luôn đều đặn quanh năm như vậy. Thu nhập của tôi cũng ổn định hơn, có những lúc tăng ca nữa thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.
Ngoài tăng gia sản xuất, HTX Tâm Hợi còn tích cực tham gia chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hiến trên 1.000m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời, HTX tích cực tập huấn, hướng dẫn và giúp đỡ các thành viên, hội viên nông dân trên địa bàn huyện tiếp cận khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, sơ chế quế.
Hỗ trợ 1 phần dụng cụ sơ chế quế cho bà con để cùng giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Hằng năm HTX luôn đóng góp đầy đủ các loại quỹ, tham gia các phong trào thi đua do Trung ương, địa phương phát động.
Bằng sự chủ động, linh hoạt của HTX Tâm Hợi trong sản xuất, kinh doanh; áp dụng kỹ thuật vào sản xuất gắn với khai thác sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các thành viên.