Chiều nay (23/4/2023) tại Ninh Bình, LPBank (tên viết tắt mới của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023. Với tỷ lệ đồng thuận cao, ĐHĐCĐ LPBank đã thông qua các kế hoạch về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022; phương án tăng vốn điều lệ năm 2023; thay đổi tên viết tắt của ngân hàng; bầu thành viên Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới…
Báo cáo tại ĐHĐCĐ cho biết, vượt lên những biến động của nền kinh tế nói chung, ngành tài chính ngân hàng nói riêng, trong năm 2022, LPBank đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được ĐHĐCĐ giao phó, tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.
Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 5.690 tỷ đồng, tăng trưởng 56% so với năm 2021. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của LPBank tăng 13%, đạt 327.746 tỷ đồng; huy động thị trường 1 đạt hơn 250.936 tỷ đồng và cho vay thị trường 1 đạt hơn 235.767 tỷ đồng, tăng tương ứng 16% và 12,8% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử 15 năm hoạt động của ngân hàng.
Song song với đó, ngân hàng chú trọng đẩy mạnh các hoạt động quản lý rủi ro, kiểm soát chất lượng tín dụng. Các tỷ lệ an toàn hoạt động của LPBank tiếp tục duy trì và đảm bảo an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng thực hiện tăng trích lập dự phòng để tạo "bộ đệm" vững vàng cho khả năng sẵn sàng chống chịu trước những rủi ro tín dụng tiềm ẩn trong trung - dài hạn. Cũng trong năm 2022, LPBank hoàn thành triển khai đồng thời hai chuẩn mực Basel III và IFRS9, hai chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro và báo cáo tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Tại đại hội, các cổ đông đã thống nhất thông qua các báo cáo quan trọng và kế hoạch 2023 với sự đồng thuận cao. Đại hội đã nhất trí phương án tăng vốn điều lệ từ 17.291 tỷ đồng lên 28.676 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu. Bao gồm: phát hành cho cổ đông hiện hữu 500 triệu cổ phiếu (5.000 tỷ đồng), phát hành 10 triệu cổ phiếu (100 tỷ đồng) theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu (3.000 tỷ) cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 15,5%. Đặc biệt, LPBank sẽ chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu lên tới 19% từ việc phát hành 329 triệu cổ phiếu (3.285 tỷ đồng).
Việc tăng vốn theo đánh giá của ngân hàng nhằm củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung – dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hằng năm. LPBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 là 6.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022, điều này phản ánh nỗ lực và quyết tâm của ngân hàng trong việc đảm bảo lợi ích cho khách hàng và cổ đông giữa bối cảnh dự báo kinh tế 2023 còn nhiều thách thức.
Đại hội cũng đã bỏ phiếu bầu Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ IX (2023 - 2028). Với tỷ lệ đồng thuận cao, ĐHĐCĐ đã thông qua 7 thành viên Hội đồng quản trị và 4 thành viên Ban Kiểm soát. Hội đồng Quản trị mới gồm: ông Nguyễn Đức Thụy, ông Huỳnh Ngọc Huy, ông Lê Hồng Phong, ông Nguyễn Văn Thùy, ông Lê Minh Tâm, ông Hồ Nam Tiến và ông Bùi Thái Hà. Ban Kiểm soát mới gồm: bà Dương Hoài Liên, ông Trần Thanh Tùng, bà Nguyễn Thị Lan Anh và ông Nguyễn Phú Minh. Đây đều là các nhân sự cấp cao có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, có đầy đủ khả năng để dẫn dắt LPBank hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững cả về quy mô lẫn chất lượng trong tương lai.
Trao đổi với cổ đông về xu thế chuyển đổi số hiện nay, ông Bùi Thái Hà - Phó Tổng Giám đốc thường trực ngân hàng cho biết: Với dự báo tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thách thức, kinh tế phục hồi chậm, tỷ lệ nợ xấu quá hạn có khả năng tăng cao thời gian tới. Trong bối cảnh đó, LPBank đã thực hiện phân loại nợ xấu và trích lập đầy đủ, tỷ lệ bao phủ tỷ lệ nợ xấu 142% - là bộ đệm giúp ngân hàng vượt qua khó khăn thời gian tới.
Còn theo ông Hồ Nam Tiến, quyền Tổng Giám đốc LPBank: Chuyển đối số là 1 trong những chiến lược chính của ngân hàng thời gian tới. Thời gian qua, ngân hàng thành lập văn phòng chuyển đổi để chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình chuyển đổi số và tương tác với các ngân hàng. Ngân hàng đã cải tiến công nghệ, nâng cao các tính năng mới, hiện đại, hỗ trợ phát triển kinh doanh; Xây dựng mô hình kinh doanh mới, xây dựng uy tín, định hình thương hiệu trên thị trường; Tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận; nâng cao trải nghiệm của các khách hàng…
Trả lời cổ đông về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Tiến cho biết, hiện tại ngân hàng vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài phù hợp, trong kế hoạch tăng vốn điều lệ đã có kế hoạch này. "Tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 của ngân hàng là hơn 26.000 tỷ đồng; trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 14.000 tỷ đồng; cho vay lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 15% trong tổng dư nợ, các khoản vay bất động sản đều có tài sản đầy đủ", ông Tiến nhấn mạnh.
Chia sẻ với cổ đông LPBank về việc ngân hàng có đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không, ông Hà cho biết: Trong thời điểm 2022 có những sự kiện liên quan đến một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư và người dân, ảnh hưởng đến tỷ lệ, khả năng thanh khoản của ngân hàng thương mại cổ phần. "LPBank không thực hiện đầu tư hay phân phối trái phiếu doanh nghiệp, điều này giúp cho ngân hàng không gặp ảnh hưởng bất lợi bởi việc đầu tư này và trong thời gian tiếp theo", ông Hà nhấn mạnh.
Còn trong báo cáo tài chính 2022 của LPBank có đầu mục đầu tư trái phiếu, thì danh mục này phần lớn đầu tư trái phiếu Chính phủ để đảm bảo khả năng thanh khoản theo quy định và phần nhỏ đầu tư trái phiếu của các TCTD để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Chia sẻ với cổ đông tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy cho biết ngân hàng sẽ vẫn phát triển các trụ cột chính, cụ thể: Đẩy mạnh chuyển đổi số, số hoá hoạt động ngân hàng, kiên định chiến lược bán lẻ đặc biệt khu vực nông thôn tận dụng thế mạnh vốn có. Cùng với đó là tái cấu trúc ngân hàng; tăng tỷ trọng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ kế cận cho chi nhánh và hội sở.
Trước sự thay đổi về bộ máy nhân sự cao cấp của ngân hàng và với vị trí người đứng đầu, Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy nhấn mạnh tới các thành quả mà LPBank đã đạt được trong 15 năm qua. "LPBank qua 15 năm đạt được những kết quả ấn tượng, chúng tôi sẽ không ngừng đổi mới, quyết liệt hành động hướng tới mốc 20 năm. Mục tiêu hội đồng quản trị đặt ra trong thời gian tới là nâng cao thu nhập, nâng cao phúc lợi cho cán bộ nhân viên, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và cổ đông; chuyển đổi số hoá toàn diện; thay đổi mạnh mẽ… để trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam".