Dân Việt

Hà Nội: Ngoài phạt chính, 1 lái xe cẩu vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện còn bị phạt bổ sung tiền tỷ

Bách Thuận 24/04/2023 19:57 GMT+7
Trong tháng 4/2023, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ký 2 quyết định xử phạt hành chính đối với các hành vi điều khiển dụng cụ, phương tiện vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.

Cụ thể, vào hồi 16 giờ 14 phút ngày 7/4, đã xảy ra sự cố tuyến cáp ngầm từ trạm 220kV Thành Công đến trạm 110kV Phương Liệt.

Nguyên nhân sự cố được xác định do đơn vị thi công đóng cọc tiếp địa nằm trong hành lang bảo vệ an toàn tuyến cáp ngầm trên vỉa hè trước số nhà 99 phố Chùa Bộc phục vụ dự án "Xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa (Hà Nội)".

Với hình thức vi phạm này, đơn vị thi công bị xử phạt 130 triệu đồng và tịch thu tang vật vi phạm.

Vụ thứ hai, vào hồi 14 giờ 15 phút ngày 19/4, trên địa bàn phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), người điều khiển xe cẩu, trong quá trình cẩu cục bê tông đối trọng tại bãi tập kết vật liệu nằm trong hành lang lưới điện cao áp đã để dây đầu cẩu vi phạm khoảng cách an toàn gây sự cố cho tuyến đường dây trạm 110kV Cầu Diễn đến trạm 110kV Bắc An Khánh.

Ngoài phạt chính, lái xe cẩu vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện còn bị phạt bổ sung tiền tỷ - Ảnh 1.

Đơn vị thi công đóng cọc tiếp địa nằm trong hành lang bảo vệ tuyến cáp ngầm từ trạm 220kV Thành Công đến trạm 110kV Phương Liệt. Ảnh: TP.Hà Nội

Mặc dù ở đây EVNHANOI đã đặt 3 biển cảnh báo an toàn điện và 1 barrier hạn chế chiều cao phương tiện tại lối ra vào, tuy nhiên, người điểu khiển phương tiện đã không chú ý và gây ra sự cố cho đường dây.

Với hình thức vi phạm này, chủ phương tiện bị xử phạt 65 triệu đồng và hình phạt bổ sung nộp một khoản tiền tương đương giá trị phương tiện là hơn 1,4 tỷ đồng.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, EVNHANOI đã mời đại diện Sở Công Thương, Phòng An ninh kinh tế Công an TP.Hà Nội, các đơn vị công an quận, phường đến hiện trường phối hợp làm việc với đại diện tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời, huy động lực lượng cán bộ, công nhân viên khẩn trương khắc phục sự cố để khôi phục vận hành an toàn cho các tuyến đường dây.

Những vi phạm nêu trên là do các đơn vị và cá nhân trong khi thi công các công trình, đã không tôn trọng sự nhắc nhở, cảnh báo của các đơn vị quản lý vận hành về sự nguy hiểm của lưới điện cao áp, không tuân thủ các biện pháp an toàn điện, cho dù đã được ngành điện chủ quản hỗ trợ các biện pháp cảnh báo đảm bảo an toàn.

Để công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện ngày càng hiệu quả, tránh xảy ra sự cố, gây thiệt hại cho lưới điện cũng như ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn đối với con người, EVNHANOI khuyến cáo các công trình, dự án xây dựng ngay từ khi lập các dự án, thiết kế cần phải khảo sát kỹ các nội dung, dự toán kinh phí cho công tác giải phóng hành lang an toàn lưới điện theo đúng Luật Điện lực.

Phối hợp với ngành điện chủ quản tiến hành khảo sát hiện trường nơi dự kiến xây dựng công trình, thống nhất biện pháp giải tỏa, biện pháp bảo vệ an toàn các công trình lưới điện cao áp để tránh việc vi phạm, gây sự cố lưới điện, dẫn tới các tai nạn đáng tiếc trong nhân dân và người lao động.