Hơn 1 tháng qua, giá mít Thái trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Hiện giá mít Thái loại 1, trái tròn đẹp, trọng lượng từ 9 – 10 kg/trái trở lên được thương lái thu mua ở mức từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Mít loại 2 nặng từ 7– 9kg/trái có giá từ 10.000 – 20.000 đồng/kg…
Nhiều nhà vườn ở tỉnh Đắk Nông phá bỏ vườn mít Thái để trồng sầu riêng
Mức giá này cao gấp nhiều lần so với thời điểm đầu năm 2022. Giá mít tăng trở lại cũng giúp nhiều nhà vườn trồng mít phấn khởi. Thế nhưng, cũng có không ít người tiếc "đứt ruột" vì đã lỡ phá bỏ vườn mít để chuyển sang trồng cây khác.
Năm 2019, gia đình ông Lầu A Ửng, thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) trồng 1.300 cây mít. Trong đó, có 1.000 cây mít Thái, 300 cây mít ruột đỏ.
Để sản phẩm đạt chất lượng, ông Ửng đã áp dụng quy trình sản xuất mít VietGAP. Ông đã đầu tư trên 20 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun sương tận gốc, tạo đường đi nội bộ trong vườn mít.
Các công trình nhà trại; dụng cụ xử lý, ủ phân hữu cơ vi sinh cũng được ông đầu tư khá đồng bộ. Mặc dù bỏ ra công sức, vốn liếng nhiều, nhưng do mít rớt giá, nên ông không còn khả năng để theo đuổi.
Ông Ửng cho biết: “Tôi đã đầu tư tổng cộng 130 triệu đồng để trồng mít, nhưng mới thu được 80 triệu đồng. Đến cuối năm 2022, giá mít rẻ quá, nên tôi mới chặt bỏ để chuyển sang chăm sóc cây sầu riêng. Bây giờ giá mít tăng cũng cảm thấy rất tiếc”.
Ông Lầu A Ửng (bên phải) ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), tiếc nuối khi đã chặt bỏ vườn mít Thái trước đó.
Theo ông Ửng, trồng mít không có thu nhập thì bắt buộc ông phải chọn cây khác để tìm nguồn thu, ổn định cuộc sống. Bởi khi mít rớt giá, đến mùa chẳng ai đến mua, kể cả đơn vị ký kết hợp đồng với người trồng mít.
Còn gia đình ông Hoàng Văn Huy, cũng ở xã Đắk Nia, năm 2018, phá bỏ cà phê trồng trên 850 cây mít. Để đầu tư cho vườn mít, ông đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng mua giống, phân bón, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt…
Ông Huy cho hay: “Gia đình tôi mới thu được một vụ mít. Còn lại bỏ hoang vườn cây trong 2 năm nay. Sau đó, tôi quyết định chặt bỏ để trồng cây khác”.
Theo ông Huy, việc trồng mít của gia đình ông gặp nhiều khó khăn, do chất lượng trái kém. Mít dễ bị xơ đen, sâu bệnh hại trong vườn nhiều, hiệu quả kinh tế không cao.
Sản phẩm mít của Đắk Nông chủ yếu vận chuyển về bán cho các vựa đầu mối ở tỉnh Đồng Nai. Do cước phí vận chuyển quá cao, nên việc tiêu thụ mít trong nhiều thời điểm khó khăn, giá thấp, khiến người trồng mít không có lãi.
Vườn mít của ông Hoàng Văn Huy, xã Đắk Nia (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), không hiệu quả vì chất lượng trái kém.
Theo ông Vũ Tú Tôn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, cùng với chi phí vận chuyển cao, các quy chuẩn canh tác của người dân cũng chưa đạt được những yêu cầu của mít xuất khẩu, nên luôn thua thiệt so với các vùng trồng mít khác.
Ông Tôn chia sẻ: “Để đạt được tiêu chuẩn về mít xuất khẩu như trái tròn, cơm múi đạt dày, độ ngọt cao…, người trồng mít của Đắk Nông cần phải thay đổi căn bản về quy trình canh tác. Chứ không nên thấy giá tăng thì trồng, giá giảm thì chặt bỏ như hiện nay”.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh có gần 1.400 ha mít, sản lượng ước khoảng 5.700 tấn/năm. Hiện nay, thị trường tiêu thụ mít chủ yếu là nội tỉnh và một số tỉnh trong nước, nên người sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, thường bị các chủ vựa ép giá. Các chuỗi liên kết sản xuất mít gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa rõ ràng, chưa bền vững, nên đầu ra, giá cả thất thường.