Dân Việt

Sau 6 năm ông Dương Công Minh về điều hành, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận gấp 5 lần

Quốc Hải 25/04/2023 10:37 GMT+7
Sau 6 năm ông Dương Công Minh về đảm nhiệm "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 9.500 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với thời điểm 2016-2017. Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc đề án và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định.
Sau 6 năm ông Dương Công Minh về điều hành, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận gấp 5 lần - Ảnh 1.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2022 của Sacombank sáng nay (25/4). Ảnh: Quốc Hải

Sáng nay (25/4), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HoSE: STB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2022.

Tính đến 8h40 phút, tổng số cổ đông tham dự đại hội là 933 người, đại diện cho hơn 1,13 tỷ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự (tỷ lệ 60,4%). 

Dự kiến, đại hội năm nay sẽ "nóng" trước việc HĐQT Sacombank sẽ trình bày trước cổ đông việc chốt tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 30%.

Trước đó, đã có những tranh cãi xung quanh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Sacombank khi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) công bố tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank là 30% vốn điều lệ, trong khi phía ngân hàng cho rằng con số này thấp hơn, chỉ 23,63468%.

HĐQT Sacombank cho biết, từ ngày 14/3/2014 đến nay, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đã được ĐHĐCĐ thống nhất là 30%. 

Tuy nhiên, khi ngân hàng phát hành 400 triệu cổ phiếu STB để sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam, VSD đã điều chỉnh đưa room ngoại của cổ phiếu STB về mức 23,63468%. Đến ngày 31/5/2021, VSD một lần nữa điều chỉnh tỷ lệ này về lại mức 30%.

Ngày 10/3 vừa qua, VSD đã có công văn ghi nhận sự thiếu sót với việc điều chỉnh room ngoại của cổ phiếu STB.

Ngân hàng thống nhất ghi nhận tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu STB ở mức 30% như thông báo của VSD.

Giá trị vốn hóa thị trường năm 2022 của cổ phiếu STB đạt 42.417 tỷ đồng, tương đương 1,8 tỷ USD.

Cổ phiếu Sacombank thuộc nhóm thanh khoản tốt và hấp dẫn vốn ngoại, trong đó Quỹ đầu tư Dragon Capital đã trở lại cổ đông lớn sau 11 năm, nắm giữ trên 5% cổ phần…

Ngoài ra, tại phiên họp ĐHĐCĐ lần này, ban lãnh đạo ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022. 

Nếu hoàn thành kế hoạch này, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Sacombank.

Trước khi ông Dương Công Minh lên làm Chủ tịch HĐQT Sacombank, lợi nhuận nhà băng này trồi sụt quanh mức 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, sau 6 năm ông Minh về giữ "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT, mục tiêu lợi nhuận của Sacombank đã tăng tới gần 5 lần.

Theo báo cáo từ ban lãnh đạo Sacombank, năm 2022, nhà băng này đạt 6.339 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 20% kế hoạch đặt ra và tăng 44% so với năm 2021.

Một số chỉ tiêu khác cho năm nay được nhà băng đưa ra gồm tổng tài sản dự kiến tăng 11%, đạt 657.800 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến tăng 11%, đạt 574.600 tỷ đồng và tổng dư nợ tín dụng tăng 12%, đạt 491.600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Ngân hàng dự kiến không chia cổ tức cả năm 2022 và 2023.

Được biết, năm 2022, Sacombank đã thu hồi và xử lý hơn 15.886 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng (đạt 106%KH), trong đó 12.010 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 4,3%.

Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc đề án và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định.

Cụ thể, tổng số dư dự phòng rủi ro đạt 22.742 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 131%, tăng 12,4%.

Trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Sacombank tập trung phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và 5 lĩnh vực ưu tiên, hạn chế và kiểm soát cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kéo giảm 1,8% tỷ trọng cho vay bất động sản (chiếm 20,4%, trong đó kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 8,2%).