Dân Việt

TP.HCM: Nhà trường xử phạt vi phạm kiểu gì mà học sinh rần rần hưởng ứng?

Mỹ Quỳnh 25/04/2023 14:17 GMT+7
Trường THPT Bùi Thị Xuân vừa đưa ra hình thức xử phạt "lạ" đối với học sinh vi phạm nội quy. Hình thức xử phạt này ngay lập tức nhận được sự đồng tình, hưởng ứng lớn của học sinh.

Ngày 25/4, một bài đăng trên fanpage về giáo dục tại TP.HCM cho biết, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) áp dụng hình thức xử phạt mới đối với học sinh vi phạm nội quy nhà trường. Theo đó, thay vì yêu cầu học sinh vi phạm nội quy phải viết kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích... nhà trường yêu cầu học sinh lên thư viện, tự chọn một quyển sách trong tủ sách "Hạt giống tâm hồn" để đọc và viết cảm nhận về nội dung của sách.

Như vậy, thay vì các hình thức xử phạt "truyền thống" mà hầu hết các trường đang áp dụng, Trường THPT Bùi Thị Xuân lại biến thành một hoạt động ý nghĩa, bổ ích.

img
img
img

Hình thức xử phạt học sinh vi phạm "lạ" của Trường THPT Bùi Thị Xuân sự ủng hộ lớn của dư luận. Ảnh chụp màn hình

Bài đăng trên fanpage nêu trên lập tức nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhiều bình luận thể hiện sự ủng hộ, cho rằng các trường nên xử lý vi phạm theo hướng này vì vừa giúp học sinh ý thức được những hành vi vi phạm của mình, đồng thời còn trau dồi thêm kiến thức, các bài học từ sách.

Trao đổi với báo chí, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ, có rất nhiều cách để giáo dục học sinh. Yêu cầu các em làm công ích, dọn dẹp vệ sinh... không phải là điều hay. Bởi lẽ, các việc này đã có nhân viên phục vụ của trường thực hiện. Hơn nữa, hình thức xử phạt cũng phải làm sao vừa nhân văn, vừa mang lại thông điệp giáo dục để thuyết phục người bị phạt.

"Hiện nay, xây dựng văn hóa đọc là một việc cần quan tâm bởi giới trẻ tập trung vào điện thoại thông minh quá nhiều, hạn chế văn hóa đọc. Nếu không phát triển văn hóa đọc, học sinh sẽ sa đà vào điện thoại là điều không hay. Hơn nữa, bạo lực học đường ngày nay cũng xuất hiện rất nhiều; trầm cảm học sinh nhiều; cuộc sống gia đình cũng nhiều trắc trở... Do đó, cần hướng cho học sinh đọc những cuốn sách hạt giống tâm hồn, người con hiếu thảo, sau đó cho các em viết cảm nhận. Từ đó có thể đánh thức các em học sinh", thầy Phú nói.

TP.HCM: Nhà trường xử phạt vi phạm "kiểu gì" mà học sinh rần rần hưởng ứng? - Ảnh 3.

Thay vì bị xử phạt lao động công ích, học sinh sẽ phải đọc sách và viết cảm nhận. Ảnh: NTCC

Thầy Phú cho biết thêm, khi các em biết yêu thương cha mẹ, ông bà, lúc đó sẽ học được cách yêu thương, quan tâm những người xung quanh, gieo những hạt giống nhân cách tốt đẹp trong tâm hồn. 

Được biết, từ đầu tháng 4, nhà trường bắt đầu áp dụng hình thức xử phạt mới này. Tín hiệu đáng mừng là học sinh hưởng ứng, sau khi "bị phạt" đã viết những bài cảm nhận rất hay, sâu sắc. Thậm chí, có học sinh còn thổ lộ mong được... phạt thêm.

"Đây là cơ hội giúp học sinh rút ra bài học kinh nghiệm sống, biết sửa sai nhưng đồng thời cũng là cơ hội học tập, rèn luyện để trở thành người sống có văn hóa, văn minh", thầy Phú nói.

img
img
img

Bài cảm nhận về tình bạn của một học sinh sau khi bị phạt đọc sách. Ảnh: NTCC

Trao đổi với Dân Việt, một học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ, em cảm thấy hào hứng với hình thức xử phạt vi phạm mới của trường. Bởi lẽ, lãnh đạo nhà trường đã biến sự khó chịu, không thích, thậm chí là ấm ức thành sự thích thú, hưởng ứng. Học sinh này cho rằng, đây là hình thức "phạt" mà không phạt.

"Em không sợ khi áp dụng hình thức phạt mới này học sinh sẽ vi phạm nhiều hơn. Chúng em hiểu những thay đổi này là để học sinh đọc nhiều hơn, tiếp cận các bài học từ sách vở để thay đổi; hạn chế các lỗi vi phạm", học sinh này nói.

Trong bài cảm nghĩ của một học sinh lớp 11 sau khi đọc câu chuyện "Ba cô mèo và cái hoa phượng", nữ sinh thổ lộ: Em cảm thấy bản thân cần thay đổi cách sống, cần dành ra thời gian riêng cho cho mình để nghĩ về chính mình, suy nghĩ về cuộc đời và sự tồn tại của chính mình. Qua đó, tìm kiếm được giá trị của bản thân cũng như những sai lầm.

Bài học thứ hai là đừng sống theo khuôn mẫu, sống phải có sự khác biệt riêng cho bản thân. Dám nghĩ, dám làm,... phải vượt qua khó khăn, thử thách trước mắt".