Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Những ngày gần đây, thông tin Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) vừa đề nghị đốn hạ 12 cây sọ khỉ cổ thụ trên 100 tuổi bên trong khuôn viên trường đang gây xôn xao dư luận tại TP.HCM.
Nhiều người dân tỏ ra lo lắng, tiếc nuối vì các “cụ cây” nhiều năm qua đã trở thành một phần nét đẹp của ngôi trường này. Đó cũng chính là ký ức tươi đẹp cho mỗi thế hệ học sinh từng học tại ngôi trường có bóng cây xanh mát che phủ khắp sân trường.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie cho biết, nhà trường cũng rất bất ngờ trước thông tin gây xôn xao dư luận trên. Bởi thực tế, trường mới chỉ có văn bản đề nghị khảo sát xem tình trạng sức khỏe 12 cây như thế nào và chưa hề có bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc xin đốn hạ cây.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Quế Vân, Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất cho hay, hiện trường đang nhờ Sở Xây dựng cho bộ phận chuyên môn hỗ trợ kiểm tra cây cối trong trường. Vì nếu chỉ kiểm tra bằng mắt thường sẽ không biết được tình trạng sức khỏe của cây để có phương án phù hợp. Do cây đã trên 100 năm nên phải kiểm tra kỹ càng.
Được biết, theo thiết kế, trường có kiến trúc vòm nên từ lâu, việc chăm sóc, kiểm tra, khảo sát hệ thống cây xanh mất khá nhiều công sức, thời gian và tốn kém. Nhất là đối với những cây xanh có độ cao trên 40m thì càng vất vả hơn. Khoảng 5 năm trước, ở trường từng có sự cố cây đổ gãy ngang sân trường vào lúc 2 giờ sáng, không gây thiệt hại về người. Qua kiểm tra xác định, cây bên ngoài vẫn xanh tốt nhưng trong thân đã mục rỗng.
Ngoài ra, văn bản số 5698 ngày 21/4 được Sở Xây dựng TP.HCM gửi tới các sở ngành và Trường THPT Marie Curie cho biết, đơn vị này nhận được văn bản số 72 ngày 10/4 của trường đề nghị đốn hạ 12 cây sọ khỉ cổ thụ do rễ các cây có hiện tượng bị mục, có nguy cơ ngã đổ.
Vấn đề này Sở Xây dựng cho rằng hiện chưa nhận được cơ sở đánh giá tình trạng từng cây và hình ảnh kèm theo, do đó, đề nghị Trường THPT Marie Curie khẩn trương liên hệ Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật và đơn vị chuyên ngành duy tu cây xanh có năng lực và kinh nghiệm để được hỗ trợ, tham vấn, cân nhắc lựa chọn giải pháp xử lý phù hợp cho từng cây (đốn hạ, chọn chủng loại cây trồng thay thế; chăm sóc, cắt tỉa để tiếp tục duy trì cây...).
Sau khi kiểm tra kỹ, nếu phát hiện cây có thể gây nguy hiểm, cần phải đốn hạ ngay, Trường THPT Marie Curie căn cứ vào Nghị định số 64/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị để thực hiện, xử lý các trường hợp cần chặt hạ cây ngay do tình thế khẩn cấp, do thiên tai hoặc cây đã chết, đã bị đổ gãy, có thể gây nguy hiểm đến người và tài sản (trường hợp miễn giấy phép).
Còn trường hợp khác, Sở Xây dựng giao Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật hướng dẫn Trường THPT Marie Curie thực hiện thủ tục đốn hạ cây xanh theo đúng quy định. UBND quận 3 sẽ xem xét cấp giấy phép đốn hạ, di dời cây xanh trong khuôn viên trụ sở của các tổ chức và cá nhân theo địa bàn quản lý.
Về giải pháp đảm bảo an toàn cây xanh trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng đề nghị Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật khẩn trương tăng cường thực hiện kiểm tra, rà soát toàn diện về tình hình sinh trưởng, phát triển và khả năng đảm bảo an toàn của cây xanh (rễ, thân, cảnh, tán lá).
Từ đó, có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp đối với những trường hợp cây xanh có nguy cơ gãy, đổ gây mất an toàn.
Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật cũng cần phối hợp UBND các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chi tiết về trồng, chăm sóc và cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân.
Còn những cây xanh có kích thước lớn, cây cổ thụ nằm trong khuôn viên trụ sở, thuộc trách nhiệm quản lý của các cơ quan, đơn vị, Sở Xây dựng đề nghị các địa phương yêu cầu từng đơn vị thường xuyên kiểm tra, chăm sóc định kỳ.
Đồng thời, có trách nhiệm thực hiện kịp thời các biện pháp xử lý cây xanh phù hợp để đảm bảo an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, thiệt hại về người và tài sản, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.