Chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến nghị trường
Các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội được xem như chiếc cầu nối, là tiếng nói phản ánh của cử tri với Quốc hội, Chính phủ. Họ không chỉ là tiếng nói mà còn đại diện cho niềm tin, sự gửi gắm kỳ vọng của đông đảo người dân.
Là những người được dân trực tiếp bỏ phiểu bầu chọn, ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Khi tham gia bỏ phiếu bầu cử, bà Phạm Thị Hồng Mai (huyện Bình Chánh) mong muốn các ĐBQH cần lắng nghe ý kiến của nhân dân, phải là cầu nối giữa nhân dân và chính quyền các cấp để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, các chính sách về bảo hiểm xã hội, tăng mức hưởng lương hưu, chính sách thai sản, bình đẳng giới,…
Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đoàn ĐBQH TP đã chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân… kịp thời tổ chức các nội dung làm việc gắn với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Trong năm 2022, Đoàn ĐBQH TP đã tổ chức 10 cuộc giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 78 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó có 73 cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp thứ 3; trước và sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và 5 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, với khoảng 12.540 cử tri tham dự với 970 lượt ý kiến tham gia phát biểu.
Đồng thời, tích cực theo dõi, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương giải quyết kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Từ kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH TP đã chọn lọc những vấn đề mà cử tri bức xúc, các vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước để các ĐBQH chất vấn trực tiếp tại các kỳ họp Quốc hội hoặc có các văn bản gửi các Bộ, ngành đề nghị giải quyết; đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Trong giai đoạn căng thẳng của dịch Covid-19 năm 2021, hoạt động của đoàn ĐBQH TP đã tập trung giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 và Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của HĐND TP về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch dịch Covid-19 trên địa bàn; các giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19, phát triển kinh tế xã hội…
Đồng thời, tiếp xúc trực tuyến với cử tri doanh nghiệp và cử tri ngành y tế, kịp thời ghi nhận và chuyển tải ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương nhằm đề ra các giải pháp phù hợp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; ghi nhận và đề xuất nhiều giải pháp để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch của lực lượng tuyến đầu trong ngành y tế, củng cố hệ thống y tế cơ sở...
Qua các hoạt động, các ĐBQH và đoàn ĐBQH TP đã gắn bó, liên hệ chặt chẽ với cử tri; chuyển tải đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri TP đến nghị trường; có nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế với Quốc hội, Chính phủ trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng pháp luật.
Cần giải quyết tới nơi tới chốn ý kiến cử tri
Tham gia nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp cử tri, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, các đại biểu cần sâu sát thêm ở quận, huyện, nơi mình ứng cử, rà soát thêm việc đi cơ sở để xem tình hình thực tế mình giải quyết tới đâu, đeo bám thêm thực tế chứ không chỉ tiếp nhận qua các kỳ tiếp xúc cử tri.
Theo đại biểu Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, việc giải quyết ý kiến cử tri vẫn chưa đạt hiệu quả nhưng mong muốn. Nhiều sở, ngành, cơ quan chức năng trả lời nhưng "không vô vấn đề mà cử tri" hỏi.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM nhận định, kết quả cuối cùng là phải làm sao để ý chí, nguyện vọng của người dân phải được thể hiện trong các văn bản pháp luật, thể hiện được quyền làm chủ của người dân.
Các đại biểu cần lựa chọn nội dung trọng tâm để có góp ý, từng đại biểu phải đeo bám đến cùng sự việc để đạt hiệu quả cao nhất.
Trước ý kiến của đại biểu về việc một số đơn vị, đối tượng giám sát dường như vẫn có sự e dè nên không báo cáo đúng tình hình, ông Mãi khẳng định: "Tôi cũng không bao giờ chỉ đạo cho bất kỳ một phó chủ tịch nào, một giám đốc sở nào, ngành nào vì thành tích mà nói những điều không đúng" và cho rằng, cần phải nói để nhận diện đúng vấn đề, đúng trọng tâm để thẳng thắn giải quyết, tháo gỡ.
Bài 2: Để hiệu quả, cần đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri