Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận xét, 5 năm qua là một nhiệm kỳ thành công của Đoàn ĐBQH TP.HCM, góp phần quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của TP.HCM.
Kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH TP.HCM thể hiện trên 4 lĩnh vực, hoạt động: Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật; tích cực tham gia, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; phối hợp và phục vụ chu đáo hoạt động giám sát; phối hợp giải quyết các kiến nghị của cử tri.
Điểm nhấn trong công tác xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã tích cực cùng hệ thống chính trị của TP.HCM xây dựng, đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét, ban hành 3 nghị quyết với những quyết sách đột phá, đồng bộ, tạo cơ hội cho TP.HCM phát triển nhanh và bền vững.
Đó là, Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM; và Nghị quyết số 1111 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Trong hoạt động giám sát, theo ông Nguyễn Thành Phong, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã tích cực, nỗ lực khảo sát, cùng hệ thống chính trị của TP.HCM nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án chậm tiến độ, có dự án khiếu nại kéo dài nhưng chưa được xử lý, giải quyết triệt để.
Cụ thể như việc triển khai dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), dự án kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 (quận 6), dự án Khu đô thị Sing – Việt (huyện Bình Chánh)… Qua đó, đã có nhiều kiến nghị, văn bản của Đoàn ĐBQH gửi đến các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương xem xét, tháo gỡ cho TP.HCM; đồng thời cũng thực hiện giám sát việc giải quyết kiến nghị của các bộ, ngành Trung ương.
Tuy nhiên, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nhận định, hoạt động của Đoàn ĐBQH TP.HCM vẫn còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri hiện nay vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Nguyện vọng của cử tri là được gặp gỡ, tiếp xúc nhiều lần, nhưng việc tiếp xúc thường chỉ diễn ra được ở trước và sau kỳ họp. Có những ý kiến bức xúc, cử tri kiên trì đăng ký được tiếp xúc nhưng cũng khá khó khăn. Có những vụ việc người dân khiếu nại kéo dài 5 năm, 10 năm, hay cả đời người nhưng chưa giải quyết được hoặc kết quả giải quyết không được như mong muốn.
Khi người dân, cử tri muốn đăng ký để được tiếp xúc với ĐBQH tại MTTQ hay nơi đại biểu ứng cử, thường chỉ là các đại biểu chuyên trách. Còn đại biểu kiêm nhiệm thì công tác ở mọi miền đất nước, khó khăn trong việc theo đuổi các vấn đề mà người dân phản ánh, vốn đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.