Nhằm triển khai thực hiện, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Tây Ninh đã ban hành các văn bản triển khai, tổ chức hướng dẫn giới thiệu chính sách cho các địa phương; phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức hội tuyên truyền, chủ động giới thiệu chính sách đến các tổ chức, cá nhân có điều kiện phù hợp thụ hưởng chính sách.
Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, đối với chính sách hỗ trợ lãi vay theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND, từ năm 2019 đến cuối năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 13 dự án, gồm: 4 dự án trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao; 8 dự án trồng cây ăn trái thực hành nông nghiệp tốt; 1 dự án chăn nuôi bò thịt thực hành nông nghiệp tốt tại các huyện Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh với diện tích 233,5 ha, kinh phí hỗ trợ 4,6 tỷ đồng; thời gian hỗ trợ từ năm 2020-2025 tuỳ dự án.
Qua đánh giá, chính sách thực hiện tương đối tốt, được hỗ trợ vốn nên các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để được hưởng chính sách, giá trị đầu tư dự án phải từ 1 tỷ đồng/dự án trở lên, nên đối với các hộ đầu tư nhỏ, lẻ khó tiếp cận được chính sách.
Đối với chính sách hỗ trợ liên kết theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND, tỉnh đã hỗ trợ 9 dự án, gồm: 4 dự án liên kết chăn nuôi bò; 4 dự án liên kết trồng lúa và 1 dự án liên kết trồng nấm tại các huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh.
Tổng diện tích 2.230 ha, 850 con bò, 967 hộ; tổng kinh phí hỗ trợ 12,8 tỷ đồng. Có thể nói, chính sách đã hỗ trợ nông dân tham gia liên kết ổn định, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, phát huy được vai trò của kinh tế tập thể, tạo được niềm tin vào các tổ chức sản xuất.
Chính sách quy định các đối tượng muốn được thụ hưởng phải liên kết với ít nhất một hợp tác xã, nhưng doanh nghiệp thường ký hợp đồng trực tiếp với nông dân không qua hợp tác xã nên không thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ. Bên cạnh đó, các hợp tác xã tham gia dự án liên kết thường mới thành lập nên chưa đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án...
Đối với chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp theo Quyết định số 20/2020/QĐ-UBND, từ năm 2020-2022 chưa có nhà đầu tư đăng ký thụ hưởng chính sách do có ít doanh nghiệp đáp ứng quy định để xin chủ trương đầu tư.
Tỉnh đang triển khai chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thuỷ sản giai đoạn 2022-2025. Tính đến cuối năm 2022 có 32 hồ sơ đăng ký áp dụng VietGAP, trong đó: lĩnh vực trồng trọt 17 hồ sơ; lĩnh vực chăn nuôi và thuỷ sản 15 hồ sơ đáp ứng theo yêu cầu...
Sở NNPTNT Tây Ninh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, rà soát, ban hành quy trình nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nhất là giảm số lượng thủ tục, giảm thời gian giải quyết thủ tục; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư. Đồng thời, kiến nghị bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chính sách.
Thời gian tới, Sở tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo quy định. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về kinh tế tập thể cho các đối tượng có tiềm năng để nâng cao khả năng tập hợp, huy động nông dân tham gia trong liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông nghiệp; tăng cường ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để có sản phẩm nông nghiệp đủ tiêu chuẩn, chất lượng và số lượng cung ứng ra thị trường, nhất là trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch; xây dựng thương hiệu, bản quyền (chỉ dẫn địa lý) cho các nông sản chủ lực trên địa bàn.
Củng cố và phát huy hiệu quả của các sàn giao dịch thương mại nông sản điện tử trên địa bàn, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin thị trường nông sản để cung cấp thông tin cho sản xuất và tiêu thụ, phục vụ cho việc kết nối cung - cầu nông sản của nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Sở cũng sẽ tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là khâu sơ chế, chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ.