Dân Việt

Hà Nội: 3 cây sưa chết khô bên hồ Hoàn Kiếm chưa được chặt hạ

Nhật Minh - Đức Nguyên 02/05/2023 06:14 GMT+7
Theo dự kiến của UBND quận Hoàn Kiếm, 3 cây sưa chết khô bên hồ Hoàn Kiếm sẽ được chặt hạ vào ngày 18/4. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại 3 cây sưa này vẫn chưa được chặt hạ.

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội dự kiến chặt hạ 3 cây sưa chết khô nói trên vào ngày 18/4. Sau đó, đơn vị chuyên môn sẽ bàn giao khối lượng gỗ cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội để làm các thủ tục tiếp theo.

Tuy nhiên, cho đến nay 3 cây sưa này vẫn chưa được chặt hạ dù đã được cấp phép. Thông tin tới báo chí, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết hiện tại đang phối hợp với Trung tâm hạ tầng kỹ thuật Hà Nội, Chi cục Kiểm Lâm, Công ty Công viên cây xanh và các cơ quan liên quan, thống nhất việc bảo quản gỗ sau khi được chặt hạ.

Hà Nội: 3 cây sưa chết khô bên hồ Hoàn Kiếm chưa được chặt hạ - Ảnh 1.

Hai cây sưa chết khô bên hồ Hoàn Kiếm chưa được chặt hạ.

Quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm hiện có 5 cây xanh bị chết, trong đó có 3 cây sưa đỏ, một cây bằng lăng và một cây muồng.

Cây sưa lớn nhất nằm ở khu vực sát mép hồ, gần cầu Thê Húc, đối diện ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng. Cây này có đường kính thân 59 cm, chiều cao 12 m, hiện thân đã bong tróc, lộ ra phần thân đã chết khô trong một thời gian dài.

Hà Nội: 3 cây sưa chết khô bên hồ Hoàn Kiếm chưa được chặt hạ - Ảnh 2.

Quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm hiện có 3 cây sưa chết khô.

Hà Nội: 3 cây sưa chết khô bên hồ Hoàn Kiếm chưa được chặt hạ - Ảnh 3.

Cây sưa chết khô chưa được chặt hạ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn trong mùa mưa bão.

Ngoài cây sưa đỏ ở đối diện ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng, còn có thêm 2 cây sưa mục ruỗng, chết khô ở khu vực đồng hồ hoa Thụy Sĩ, sát mép hồ. Đường kính 2 cây này khoảng 35 cm và cao từ 6 - 10 m.

Một cây bằng lăng và một cây muồng ở hồ Gươm cũng trong tình trạng chết khô trong thời gian dài vừa qua.

Khu vực hồ Hoàn Kiếm có khoảng 40 cây sưa đỏ trong tổng số 700 cây bóng mát. Cây sưa đỏ thuộc nhóm 1A trong sách đỏ Việt Nam và cấm khai thác dưới mục đích thương mại từ năm 1994.