Nhà thơ Huy Cận là gương mặt xuất sắc của phong trào Thơ Mới, nổi tiếng từ những năm cuối thập kỷ 30 của thế kỷ trước. Huy Cận và Xuân Diệu là hai tên tuổi tiêu biểu trên Thi đàn Việt Nam, hai người bạn tri kỷ, hai người anh em thân thiết hơn ruột thị. Nếu Xuân Diệu là ông hoàng thơ tình thì Huy Cận là thi sĩ của nỗi sầu vạn cổ:
Chiều nay đây nửa thế kỷ hai mươi,
Viết dăm câu tôi gửi lại vài người
Những thế hệ mai sau, làm bè bạn…
Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận,
Gọi gió trăng mà thỏ thẻ với lời trên,
Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên
Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu.
(Thơ Huy Cận)
Ông không chỉ là nhà thơ xuất sắc mà còn là chính khách. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, mới 26 tuổi ông đã làm Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Từ cuối năm 1945, ông là Ủy viên Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Sau này, ông làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách các công tác Văn hóa và Văn nghệ.
Một hôm nhà thơ Huy Cận đến gặp nhạc sĩ Hồng Đăng nói chuyện.
Nhà thơ Huy Cận mở lời:
- Sau cái chết của ông Lương Vĩnh, tôi thấy vấn đề số mệnh khủng khiếp thật. Những cảnh báo của ông cho thấy, mỗi cuộc đời như được lập trình sẵn bởi một lực lượng siêu nhiên nào đó.
- Thực ra, chưa nhiều người ý thức được một cách nghiêm túc vấn đề này. Mỗi một ngày giờ có rất nhiều người sinh ra và họ có chung một bản tử vi, thế nhưng không phải đến một ngày giờ cụ thể, từng ấy người đều lăn ra chết. Mỗi bản tử vi cho ta thấy một mô hình cuộc đời mà đến mỗi khúc ngoặt, mỗi người sẽ vô tình hay chủ động chọn cho mình một lối rẽ. Có người rẽ vào đường cụt, có người sa xuống hố, có người đi vào con đường có thể làm thay đổi toàn bộ cuộc đời một cách tốt đẹp hơn. Thế nên có nhiều trường hợp rất gay, vì chưa ý thức được tính cảnh báo của khoa học này, đến lúc xảy ra chuyện mới cuống cuồng đi cầu cứu thì không còn kịp nữa rồi. Nói thật với anh, không phải là anh em, bạn bè thân thiết, hay trường hợp đặc biệt, làm sao có sức mà hao phí năng lượng cho công việc này được. Còn phải lao đầu đi kiếm sinh kế chứ anh.
- Tôi sắp sang Paris công tác, ông xem giúp xem chuyến đi có tốt không? Lần trước đi, tôi hỏi thì ông bảo chuyến đi tốt đẹp, đúng hoàn toàn.
Nhạc sĩ Hồng Đăng đáp lời:
- Điều lần trước nói với anh không có nhiều ý nghĩa. Vì bây giờ chuyện đi nước ngoài là may mắn hiếm có, không cần xem, cứ nói là tốt thì gì mà chả đúng. Nhưng lần này anh cẩn thận, nguy hiểm đến tính mạng như chơi ấy. Anh có sợ không?
- Tâm lý ai cũng thích nghe điều tốt, nghe điều không hay cũng ngại.
Nhạc sĩ Hồng Đăng từng "cảnh báo" nhà thơ Huy Cận về sự cố gặp phải trong chuyến công tác nước Pháp
Nhạc sĩ Hồng Đăng bảo:
- Tại sao anh không đưa bản tử vi của anh ra cho tôi xem. Như vậy, có phải nói được với anh nhiều điều hơn không?
Nhà thơ Huy Cận nói:
- Nói thật là tôi không có bản tử vi, với lại chưa chắc ngày giờ sinh của tôi đã đúng. Sợ là thiếu chính xác.
- Nếu xem tử vi thì hay hơn nhiều đấy. Anh đi chuyến này phải hết sức cẩn thận về sức khỏe. Có thể có những đột biến về sức khỏe rất không có lợi cho tính mạng. Nếu không biết giữ cũng có thể nguy. Anh đi có lâu không?
- Lần này đi chóng thôi. Cách giữ như thế nào? Có khó không ông?
- Cũng hơi nhiêu khê. Nhưng chắc chắn trong chuyến đi anh sẽ có tin buồn đấy.
- Tin buồn về chuyện gì?
- Hiện nay chưa thể nói cho anh rõ, nhưng là tin buồn đặc biệt về một người thân.
Sau chuyến đi Paris, nhà thơ Huy Cận gặp nhạc sĩ Hồng Đăng ở cơ quan 51 Trần Hưng Đạo đưa quà.
- Có mấy điếu Gaulois, ông hút tạm. Tôi kể ông nghe về chuyến đi của tôi, đặc biệt thú vị khi nghiệm lại lời ông nói trước khi đi. Nghe ông nói cẩn thận về sức khỏe, trước khi đi, mặc dù sức khỏe vẫn tốt, tôi vào bệnh viện kiểm tra lại toàn bộ. Kết quả là huyết áp ổn định, tim mạch ổn định, các chỉ số không có gì đáng ngại. Thế nhưng đến Paris, lúc đang đứng nói chuyện trước micro, tự nhiên tôi bị xuất huyết, máu mũi chảy dữ dội. Đến bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ nói tôi may mắn xuất huyết trong tư thế đang đứng, máu chảy ra bằng đường mũi và đưa vào cấp cứu kịp thời. Nếu xuất huyết lúc đang nằm, nhất là lúc đang ngủ thì không thể nói trước được điều gì. Tự nhiên tôi thoát hiểm một cách rất tình cờ, thật may mắn. Bây giờ, lúc nào tôi cũng phải dự trữ thuốc trong túi. Sau khi bị tai nạn, hơn 20 giờ sau, tôi nhận được điện từ bên nhà sang báo cho biết tin Xuân Diệu vừa mất. Có lẽ ngày xưa, trường hợp này người ta gọi là thần giao cách cảm.
- Đúng, hiện tượng này không có gì đáng ngạc nhiên. Những người có quan hệ huyết thống, có tình cảm mật thiết, lúc ở cách xa nhau, có ai gặp tai nạn, đều có những chấn động ngoại cảm, như một thứ tín hiệu đặc biệt để báo tin cho nhau. Anh và anh Xuân Diệu là ở trong trạng thái này.
- Tôi nhớ ông nói với tôi sẽ gặp tin buồn trong lúc đi xa. Xuân Diệu ra đi đối với tôi là một tin buồn đặc biệt quan trọng mà chính tôi không ngờ tới.
- Xin chia buồn với anh và cũng mừng anh tai quan nạn khỏi một cách nhẹ nhàng.
- Có một tập thơ nho nhỏ của tôi, xin tặng ông làm kỷ niệm.
Nhà thơ Huy Cận đưa ra tập thơ Hạt lại gieo của ông tặng nhạc sĩ Hồng Đăng với lời đề tăng: Tặng Hồng Đăng. Đèn sáng hơn trăng. Đức sáng bảo mệnh.