Dân Việt

Nhà đầu tư ngoại rút ròng gần 2.800 tỷ đồng

Theo Zing 03/05/2023 20:32 GMT+7
Khối ngoại đảo chiều bán ròng và giao dịch chậm hơn là một trong các nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán trong nước diễn biến ảm đạm trong tháng 4.

Thị trường chứng khoán tháng 4 năm nay diễn ra ảm đạm khi thanh khoản ở mức khá thấp, đa phần giá trị giao dịch trên HOSE chỉ đạt trên dưới 10.000 tỷ đồng/phiên, biên độ dao động giá của VN-Index ở mức thấp với tổng mức giảm hơn 15,5 điểm (-1,46%) về gần 1.050 điểm.

Vốn hóa HoSE cũng theo đó sụt giảm khoảng 62.000 tỷ đồng (xấp xỉ 2,5 tỷ USD). Dòng tiền vẫn tỏ ra rất thận trọng trước những diễn biến khó lường, không mấy mặn mà với các cổ phiếu lớn.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tương tự xuống mức thấp nhất hơn một năm, thậm chí là đổi chiều theo hướng rút ròng hàng nghìn tỷ dù trước đó vẫn gom mạnh cổ phiếu trong quý đầu năm.

Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại đạt 1.466 tỷ đồng; bao gồm bán ròng tới 2.983 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và mua ròng 1.518 tỷ đồng trên kênh thoả thuận với giao dịch đột biến tại mã IDP.

Tỷ đồngGIÁ TRỊ MUA/BÁN CỦA KHỐI NGOẠI SÀN HOSEMuaBánGiá trị ròngTháng 6/2022Tháng 7Tháng 8Tháng 9Tháng 10Tháng 11Tháng 12Tháng 1/2023Tháng 2Tháng 3Tháng 4-10k010k20k30k40k50k Tháng 11

Giá trị ròng:15.977 Tỷ đồng

Xét theo từng sàn, khối ngoại HoSE ghi nhận mức bán ròng 2.773 tỷ đồng. Cụ thể, nhà đầu tư giải ngân hơn 17.800 tỷ đồng vào các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền niêm yết; ngược lại bán ra hơn 20.600 tỷ đồng.

Trong khi đó, khối ngoại sàn HNX thực hiện bán ròng nhẹ 11 tỷ đồng. Khối ngoại sàn UPCoM gây bất ngờ khi mua ròng 1.316 tỷ đồng nhờ giao dịch thỏa thuận đột biến tại mã IDP của Sữa Quốc Tế.

Xét theo từng cổ phiếu, STB của Sacombank chịu áp lực xả hàng mạnh nhất với giá trị bán ròng vượt ngưỡng 760 tỷ đồng, mã ngân hàng này bị giảm 3,4% trong tháng vừa qua xuống còn 25.300 đồng/cổ phiếu.

Tiếp đến là các mã trụ của từng ngành như VND của Chứng khoán VNDirect, VNM của Vinamilk đứng vị trí cao trong danh sách rút ròng với giá trị lần lượt đạt 419 tỷ đồng và 350 tỷ đồng. Các mã SSI, PVD, BMP, DGC cũng bị bán ròng hàng trăm tỷ trong tháng vừa qua.

Ngược lại, dòng tiền ngoại ghi nhận lực mua ròng mạnh nhất tại mã IDP với giá trị đột biến 1.361 tỷ đồng. Đây là giao dịch của quỹ Daytona Investments Pte. Ltd mua 5,3 triệu cổ phiếu IDP, tương ứng 8,99% vốn điều lệ.

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát và HDB của HDBank cũng là các mã hút dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị lần lượt đạt 487 tỷ và 228 tỷ đồng. Cổ phiếu VPB của VPBank cũng nằm trong nhóm mua ròng trên trăm tỷ (113 tỷ đồng).

Theo đánh giá của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, sau giai đoạn mua ròng quyết liệt trong quý đầu năm, dòng vốn nước ngoài đang rút dần để tìm đến các thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ.

Tuy nhiên, xu hướng dòng tiền đảo chiều dòng vốn ngoại vẫn chưa quá mạnh mẽ. Số liệu trong 4 tháng đầu năm vẫn ghi nhận trạng thái mua ròng gần 5.500 tỷ đồng trên toàn sàn.

Cổ phiếu được nhà đầu tư ngoại gom thêm nhiều nhất từ đầu năm đến nay là HPG của Hòa Phát với giá trị 2.678 tỷ đồng, gần gấp đôi cổ phiếu đứng ngay sau là IDP của Sữa Quốc tế. Cổ phiếu HSG của Hoa Sen đứng tiếp theo với giá trị 900 tỷ đồng.

Đối lập là cổ phiếu EIB của Eximbank dẫn đầu nhóm nhóm bị bán ròng với 3.285 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cổ phiếu ngân hàng xếp ngay sau là STB của Sacombank với giá trị rút hơn 670 tỷ đồng.