Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận điều trị trường hợp người bệnh N.V.H. (68 tuổi, ngụ tại TP.HCM). Ông H. nhập viện trong tình trạng đau nhức chân trái dữ dội, chỉ đi được 10 – 20m là bắp chân đau nhức nhiều, có các vết lở loét đầu ở đầu các ngón chân không lành.
Tại khoa Cấp cứu, sau khi thực hiện các xét nghiệm và đánh giá, bác sĩ xác định ông H. bị tắc hẹp động mạch chi. Người bệnh sau đó được nong, đặt stent tái thông mạch máu. Sau can thiệp, các triệu chứng ngay lập tức thuyên giảm, người bệnh đi lại dễ dàng với quãng đường xa hơn 100m. Sau đó, người bệnh tiếp tục được theo dõi, chăm sóc vết loét tại Khoa Lồng ngực – Mạch máu.
TS BS. Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, hơn 75% trường hợp bị tắc hẹp động mạch chi không có triệu chứng ở giai đoạn bệnh khởi phát. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ có tiên lượng rất xấu, khoảng 25% người bệnh tắc hẹp động mạch chi sẽ tử vong và 30 - 40% còn lại phải cắt cụt chi.
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế đã mang đến cho người bệnh nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh tắc hẹp động mạch chi, trong đó, chẩn đoán thông qua chỉ số cánh tay - cổ chân với độ nhạy 79 - 95% và độ đặc hiệu 96 - 100% được đánh giá là phương pháp được nhiều người thực hiện nhất.
Người không mắc bệnh tắc hẹp mạch máu thường có huyết áp ở mọi vị trí bằng nhau hoặc chênh lệch không đáng kể. Vì vậy nếu chỉ số huyết áp cánh tay – cổ chân nhỏ hơn hoặc lớn hơn 1 được xem là kết quả bất thường, có nguy cơ mắc bệnh động mạch chi.
Tuy nhiên, không có phương pháp chẩn đoán chung cho tất cả mọi người. Tuỳ thuộc vào từng đối tượng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp.