Dân Việt

Một điệu múa của người Khmer do đội văn nghệ quần chúng ở Cần Thơ biểu diễn có sức hút kỳ diệu

Huỳnh Xây - Thu Trang 06/06/2023 12:44 GMT+7
Đội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) có khoảng 25 người. Ngoài múa Khmer phục vụ các dịp lễ, tết ở phum, sóc, đội văn nghệ còn biểu diễn cho các sự kiện chính trị, văn hóa, các hội thi, hội diễn, liên hoan do các các quận, huyện trong toàn TP Cần Thơ tổ chức.

Chị Liêu Thị Sa Phia - Trưởng đội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) cho biết, hiện nay, đội văn nghệ có khoảng 25 người, trong đó có trên 90% là đồng bào dân tộc Khmer.

Sức hút kỳ diệu từ điệu múa truyền thống của người Khmer - Ảnh 1.

Tiết mục biểu diễn của Đội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai. Ảnh: T.L

Sức hút kỳ diệu từ điệu múa truyền thống của người Khmer - Ảnh 2.

Đội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai phục vụ chương trình nghệ thuật Quân - Dân Cần Thơ năm 2023. Ảnh: T.L

Ngoài múa Khmer phục vụ các dịp lễ, tết ở phum, sóc, đội văn nghệ còn biểu diễn cho các sự kiện chính trị, văn hóa, các hội thi, hội diễn, liên hoan do các các quận, huyện trong toàn TP.Cần Thơ tổ chức. Vì vậy, đội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai ngày càng được nhiều người biết đến.

Điệu múa hội tụ tài năng, tri thức, sức sáng tạo của người Khmer

Chị Sa Phia cho hay, điệu múa của người dân tộc Khmer rất độc đáo, nó được hình thành và phát triển rất lâu đời. "Nghệ thuật múa của người Khmer hội tụ cả tài năng, tri thức sáng tạo, những bản sắc, những giá trị văn hóa, xã hội và giá trị thẩm mĩ của cộng đồng" - chị Sa Phia nói.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, loại hình này đang dần thu hẹp, có nguy cơ mai một. Do đó, theo chị Sa Phia, đội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai tồn tại cũng nhằm góp phần bảo tồn và phát triển điệu múa độc đáo này.

Chị Sa Phia khẳng định: "Các thành viên trong đội văn nghệ đang nỗ lực làm nghề và giữ nghề".

Để có những tiết mục múa Khmer độc đáo phục vụ người dân và khán giả, chị Sa Phia không ngừng ra sức dàn dựng, uốn nắn từng động tác, cử chỉ của mỗi thành viên trong đội, mà còn lo đến từng bộ trang phục.

Chưa dừng lại ở đó, chị Sa Phia còn luôn tìm tòi, truyền dạy những động tác, điệu múa Khmer có hồn, đúng với bản sắc của đồng bào Khmer cho các thành viên. Để có một tiết mục múa, đội văn nghệ thường mất 3 ngày học và từ 5-10 ngày tập luyện.

Sức hút kỳ diệu từ điệu múa truyền thống của người Khmer - Ảnh 2.

Đội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai phục vụ Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023. Ảnh: T.L

Sức hút kỳ diệu từ điệu múa truyền thống của người Khmer - Ảnh 3.

Phần lớn thành viên đội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai là người trẻ. Ảnh: T.L

Theo tìm hiểu của phóng viên, các thành viên của đội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai phần lớn là người trẻ, trong đó có nhiều người đang là học sinh. Do có nhiều thành viên là học sinh nên đội văn nghệ chỉ tập luyện vào các buổi tối.

Tại các buổi tập, mọi người đều rất hăng say, nhiệt huyết, với mong muốn góp sức mình vào thành công của từng tiết mục, từ đó tăng sức lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống.

Với những nỗ lực trên, thêm vào đó, các điệu múa truyền thống của người dân tộc càng có nhiều không gian để thể hiện như đã đề cập ở trên, đã tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ, diễn viên múa Khmer thêm an tâm làm nghề và giữ nghề.

"Điệu múa Khmer không chỉ là món ăn tinh thần không thể thiếu mà còn là cội nguồn văn hóa, niềm tự hào của dân tộc cần được tiếp nối và phát huy. Tôi mong sao sẽ có nhiều bạn trẻ hơn nữa có chung niềm đam mê" - Trưởng đội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai nói.

Sức hút kỳ diệu từ điệu múa truyền thống của người Khmer - Ảnh 5.

Điệu múa Khmer không chỉ là món ăn tinh thần không thể thiếu mà còn là cội nguồn văn hóa, niềm tự hào của dân tộc cần được tiếp nối và phát huy. Ảnh: T.L

Em Ðào Thị Linh Ðang cho biết, bản thân đã gắn bó với đội văn nghệ quần chúng Khmer huyện Thới Lai nhiều năm qua. Sở dĩ vào đội là vì muốn có thêm cơ hội tập luyện, biểu diễn điệu múa Khmer truyền thống mà em đam mê từ khi còn rất nhỏ.

Theo em Đang, mọi người trong đội văn nghệ quần chúng rất yêu nghề và thường ưu tiên thời gian tập luyện để phục vụ bà con trong phum, sóc trước các dịp lễ, Tết hay trước sự kiện quan trọng. "Không gì vui hơn khi được biểu diễn điệu múa Khmer ở nhiều nơi" - Em Đang chia sẻ.

Điệu múa Khmer rất uyên thâm, trang trọng, lạc quan, yêu đời. Trước đây, người Khmer từ khi còn nhỏ đã được ông bà, cha mẹ dạy múa. Do đó, hầu như người Khmer nào cũng biết múa.

Ngày nay, các điệu múa vẫn được gìn giữ và lưu truyền rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng phum sóc. Đặc biệt, vào những dịp lễ, tết truyền thống của dân tộc, hay nghi thức mừng đám cưới, người Khmer thường tổ chức múa tập thể (có kết hợp với hát), tạo nên không khí giao lưu phấn khởi, kết nối, đoàn kết trong cộng đồng.

Trong bối cảnh hiện đại hóa, toàn cầu hóa, một số nét văn hóa truyền thống của người Khmer đang có nguy cơ mai một, thất truyền, song các thể loại múa truyền thống vẫn đang được một bộ phận không nhỏ người Khmer gìn giữ và phát huy hiệu quả, đặc biệt là thế hệ trẻ.