Dân Việt

Chịu “sức ép” dư cung, doanh nghiệp phân bón gặp khó

Quốc Hải 05/05/2023 15:07 GMT+7
Nguồn cung phân bón được dự báo tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023 khi Trung Quốc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm xuất khẩu phân bón. Trong khi các nhà máy, đại lý nội địa còn nhiều hàng tồn kho. Theo đó, thị trường chịu sức ép dư cung, khiến giá phân bón có thể giảm sâu.
“Sức ép” dư cung, các doanh nghiệp phân bón sẽ gặp nhiều khó khăn những tháng cuối năm - Ảnh 1.

Sản xuất phân bón tại Công ty CP Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC). Ảnh: Quốc Hải

Quý 1 kém khởi sắc của các "ông lớn" ngành phân bón

Theo báo cáo tài chính quý 1/2023 của các doanh nghiệp ngành phân bón, lợi nhuận trong kỳ của các đơn vị sụt giảm mạnh, thậm chí ghi nhận tình trạng lỗ.

Chẳng hạn, tại Công ty CP Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC), DN này lỗ gần 40 tỷ đồng trong quý 1/2023, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 86,3 tỷ đồng. Nguyên nhân được lãnh đạo BFC giải thích với cổ đông là do giá liên tục xuống, tiêu thụ giảm mạnh do thị trường có tâm lý chờ giảm giá thêm mới mua hàng và đại lý không nhập hàng để giảm tồn kho nên kinh doanh trong kỳ ghi nhận âm.

Tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM), doanh thu thuần trong quý đầu năm là 3.265 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 262 tỷ đồng, giảm 88%. Đây cũng là mức lãi thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây của DPM. Biên lợi nhuận doanh nghiệp cũng rơi mạnh từ 48,4% về mức 16%.

Theo lý giải từ doanh nghiệp, do giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón giảm so với cùng kỳ năm trước (đặc biệt giá bán urê giảm 44%), đồng thời giá khí tăng so với cùng kỳ, dẫn đến lợi nhuận quý 1 giảm.

“Sức ép” dư cung, các doanh nghiệp phân bón sẽ gặp nhiều khó khăn những tháng cuối năm - Ảnh 2.

Theo dự báo của các công ty chứng khoán, lợi nhuận năm 2023 của các DN phân bón sẽ sụt giảm so với cùng kỳ. Ảnh: Quốc Hải

Một "ông lớn" khác là Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 33%, xuống còn 2.734,7 tỷ đồng; lợi nhuận trong quý đạt 230 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi thấp nhất trong 7 quý gần đây của DCM.

Nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của DCM sụt giảm là do giá phân bón giảm mạnh (giá bán urê bình quân quý I giảm hơn 32%). Ngoài ra, doanh thu từ thị trường xuất khẩu cũng giảm 60%, xuống còn 884 tỷ đồng khiến kết quả kinh doanh của "ông lớn" này đi lùi so với cùng kỳ.

Trong tháng 3, cả nước xuất khẩu 126.638 tấn phân bón các loại, đạt 54,62 triệu USD, giá 431,3 USD/tấn, giảm trên 16% cả về khối lượng và kim ngạch nhưng tăng nhẹ 0,2% về giá trị so với tháng 2. So với cùng kỳ năm trước (tháng 3/2022), xuất khẩu phân bón tăng 4,2% về lượng, nhưng giảm 16,4% kim ngạch và giảm 19,7% giá trị.

Trong quý 1, cả nước xuất khẩu 404.912 tấn phân bón các loại, tương đương 183,58 triệu USD, giá trung bình 453,4 USD/tấn, giảm 14,6% về khối lượng, giảm 40,2% về kim ngạch và giảm 30% về giá so với quý I/2022.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Còn tại Công ty CP DAP – Vinachem (UPCoM: DDV), trong quý 1, doanh nghiệp này có sản lượng tiêu thụ đạt 49.996 tấn, tăng 3.250 tấn so với cùng kỳ năm trước. Tuy sản lượng bán tăng nhưng doanh thu thuần giảm hơn 14%, xuống 737 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế quý I/2023 vỏn vẹn 144,3 triệu đồng, giảm hơn 99% so với mức lãi 136,5 tỷ đồng của quý 1/2022.

Nguyên nhân kết quả kinh doanh ảm đạm như trên được lý giải là do giá bán liên tục giảm so với cùng kỳ năm trước, cùng với chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng mạnh.

Trước kết quả kinh doanh quý 1 khá ảm đạm, cùng với những dự báo thị trường phân bón những tháng cuối năm sẽ gặp rất nhiều khó khăn nên các DN phân bón đều đặt mục tiêu kinh doanh "đi lùi" trong năm nay.

Chẳng hạn, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM) đặt kế hoạch doanh thu đạt 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 2.250 tỷ đồng, giảm lần lượt 6,7% và 59,7% so với năm 2022.

Tương tự, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) cũng đặt mục tiêu doanh thu đạt 13.458 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 1.383 tỷ đồng, tương đương với mức giảm 15,5% và 67,6% so với năm 2022.

Riêng với Công ty CP Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC), mặc dù mục tiêu doanh thu sẽ giảm 12,9% về mức 7.476 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn được BFC kỳ vọng tăng trưởng 23% so với năm 2022.

Biên lợi nhuận các doanh nghiệp có nguy cơ ngày càng thu hẹp

Trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023 khi Trung Quốc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm xuất khẩu phân bón, giá các phân bón trong nước được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm trước khi thiết lập một mặt bằng giá cân bằng hơn.

Ngoài ra, chi phí sản xuất, cước vận chuyển giảm mạnh… trong khi nhu cầu sử dụng phân bón yếu cũng là yếu tố khiến giá phân bón giảm. Đặc biệt, do các nhà máy, đại lý nội địa còn nhiều hàng tồn kho nên thị trường chịu sức ép dư cung.

Điều này dẫn tới biên lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có nguy cơ ngày càng thu hẹp.

“Sức ép” dư cung, các doanh nghiệp phân bón sẽ gặp nhiều khó khăn những tháng cuối năm - Ảnh 4.

Nguồn cung phân bón được dự báo tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023 khi Trung Quốc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm xuất khẩu phân bón. Ảnh: Quốc Hải

Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), nguồn cung phân bón cao trên toàn cầu và việc Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu phân bón hàng đầu mở cửa trở lại - có thể tiếp tục kéo giá giảm sâu hơn. Đặc biệt, tâm lý người mua chờ giá tốt hơn khiến giá phân bón khó hồi phục.

Hiện nay, các công ty phân bón ghi nhận mức tồn kho cao. Năng lực sản xuất trong nước đã vượt ít nhất 40% so với nhu cầu trong nước hiện tại.

Do giá phân bón giảm, nông dân trì hoãn quyết định mua để chờ giá tốt hơn, có thể dẫn đến giá trị phân bón tồn kho cao và doanh thu phân bón bán ra trong quý 1 suy giảm.

Tuy nhiên, các chuyên gia của KIS cho rằng, giá phân bón giảm giúp sản xuất nông nghiệp ổn định và hiệu quả hơn.

Dựa trên hoạt động trồng trọt tích cực trong quý 1 cả về giá cả và năng suất, hầu hết các cửa khẩu đã mở cửa và các quốc gia tăng cường dự trữ lương thực trong bối cảnh lạm phát và khủng hoảng chính trị toàn cầu, chuyên gia từ KIS kỳ vọng một dấu hiệu tích cực hơn cho quá trình tiêu thụ phân bón tồn kho trong năm 2023.

Trong khi đó, chuyên gia đến từ Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI) thì cho rằng, nhu cầu urê có thể suy yếu trong năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông nghiệp.

Do đó, SSI đưa ra dự báo lợi nhuận ngành phân bón sẽ giảm trong năm 2023 và khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu nhóm ngành này.

SSI kỳ vọng nhờ lượng tiền mặt ròng cao và tỷ lệ chi trả cổ tức cao có thể giúp hạn chế đà giảm giá cổ phiếu của một số DN ngành phân bón.

Cụ thể, tiền mặt ròng tại thời điểm cuối quý 3 năm 2022 của DPM và DCM chiếm lần lượt 50% và 55% vốn hóa thị trường hiện tại. DPM có chính sách chi trả cổ tức với tỷ lệ cao nhất (lên đến 70% mệnh giá, tỷ suất cổ tức là 16% cho năm 2022). Công ty có thể thông báo trả cổ tức trong tháng 1 năm 2023.

Trong khi đó, với nhà máy urê của DCM sẽ hết khấu hao vào khoảng tháng 9 năm 2023 nên dự báo lợi nhuận của DCM có thể sẽ giảm từ quý 4 năm 2023. Đây có thể là một bước ngoặt đối với giá cổ phiếu.

Cũng theo SSI, rủi ro tăng giá có thể đến từ việc nguồn cung khí tự nhiên và than có thể bị gián đoạn đột ngột do xung đột Nga-Ukraine, do đó có thể đảo ngược xu hướng giảm giá khí tự nhiên và than.