Như Dân Việt đã đưa tin, hôm nay (6/5), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 và kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố.
Kết luận buổi làm việc với Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.
Theo Thủ tướng Chính phủ, TP.Hà Nội cần tập trung vào 3 động lực phát triển chính gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Người đứng đầu Chính phủ cũng mong muốn Hà Nội phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; Thủ đô phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội phải đi đầu trong việc khuyến khích và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung; khắc phục bằng được khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và sợ trách nhiệm.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, ông rất tâm đắc với vấn đề Hà Nội đang làm đó là phân cấp, phân quyền, cá thể hoá trách nhiệm.
Theo Thủ tướng Chính phủ, việc phân cấp, phân quyền phải cùng với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực quản trị của các cấp. Phân cấp, phân quyền chính là tạo ra nguồn lực tốt hơn cho phát triển.
Trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Hà Nội tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ; nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Thành phố.
Phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; giảm thủ tục, chi phí cho người dân và doan nghiệp; đồng thời tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số…
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến và bảo vệ môi trường.
Về các giải pháp huy động nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội tăng cường hợp tác công – tư, trong đó có mô hình đầu tư công, nhưng quản lý tư và các trường học, bệnh viện, công viên, bảo tàng có thể áp dụng được mô hình này.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, ông từng sống gần Công viên Thống Nhất (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) khoảng 10 năm và cảm thấy xót ruột vì không có gì mới.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc Hà Nội cho phá tường rào ở Công viên Thống Nhất cũng không phải là giải pháp cơ bản. Cách cơ bản ở đây là phải quản trị tư, nếu giao cho doanh nghiệp thì công viên sẽ thay đổi hoàn toàn.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hà Nội chú trọng và coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Với các kiến nghị của TP.Hà Nội, Thủ tướng cơ bản đồng tình và giao các Bộ trưởng trực tiếp giải quyết vấn đề thuộc thẩm quyền. Với những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì các Bộ trưởng phối hợp với Hà Nội đề xuất.
Về các dự án đường sắt đô thị, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý các vướng mắc liên quan tới dự án; Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc về vốn; Bộ Giao thông vận tải xử lý các vướng mắc liên quan tới hướng tuyến.
Với đề nghị của Hà Nội rằng được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất từ 10ha đất trồng lúa trở lên sang các loại đất phi nông nghiệp phù hợp với quy hoạch, Thủ tướng giao các Bộ, ngành khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét ban hành nghị quyết phù hợp.
Đấu tranh nội bộ rất quyết liệt khi xây dựng đề án phân cấp, ủy quyền
Tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai (TP.Hà Nội) và huyện Gia Lâm (HTP.à Nội) trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cho biết, năm 2022, Thành phố đã làm được một điều rất quan trọng, đó là làm đề án phân cấp, ủy quyền.
"Chúng tôi làm mất một năm thì mới thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, rồi giao UBND Thành phố báo cáo, được HĐND TP.Hà Nội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2022" – Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ.
Qua thống kê có khoảng 1.900 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền các cấp, từ HĐND, UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đến các sở, ngành, quận, huyện, xã phường (riêng cấp sở, ngành có khoảng 1.154/1900 thủ tục). Hà Nội hiện đã thực hiện phân cấp, ủy quyền hơn 700 thủ tục hành chính.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, quá trình xây dựng đề án là quá trình "đấu tranh nội bộ rất quyết liệt" về nhận thức và tư tưởng.