Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sớm có giải pháp đột phá để giảm chi phí cho doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sớm có giải pháp đột phá để giảm chi phí cho doanh nghiệp
O.L
Thứ bảy, ngày 22/04/2023 17:27 PM (GMT+7)
Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, cần đặc biệt quan tâm, sớm có những giải pháp mới, có tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp.
Ngày 22/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh cùng các sở, ngành liên quan; 37 điểm cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ một số vấn đề nổi lên gồm: Phản ứng chính sách; giải quyết thủ tục hành chính; phê duyệt dự án; tháo gỡ khó khăn về pháp lý; đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn là chưa kịp thời, linh hoạt, chưa mang lại hiệu quả cao.
Vì thế, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tinh thần trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, vì nước, vì dân, vì sự phát triển của doanh nghiệp, chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc mà các nhà đầu tư kiến nghị với trách nhiệm cao nhất, kịp thời, hiệu quả nhất. Chính phủ sẽ có cơ chế và kế hoạch kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Các hỗ trợ có thể là hỗ trợ liên quan đến đất đai, chi phí nghiên cứu khoa học và công nghệ; cải cách thủ tục hành chính, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng…
Đồng thời, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về vấn đề áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, theo Thủ tướng, Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp và chủ động, tích cực tham gia các cam kết chung của quốc tế, trong đó có các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD. Vì thế, Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp để khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư mới.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đang tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và áp dụng phù hợp với Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về những vấn đề khác, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội xử lý các vấn đề liên quan thị thực. Các cơ quan đang tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan tới phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan), thuốc, vật tư y tế (Bộ Y tế), năng lượng (Quy hoạch điện VIII, điện gió, điện mặt trời, điện áp mái, thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp)…
Về định hướng thu hút đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: Thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
"Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam. Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Có thêm gần 4 tỷ USD vốn FDI cam kết từ 3 nhà đầu tư
Tại hội nghị, trên cơ sở sự chỉ đạo và đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã có 3 tập đoàn trao đổi kế hoạch đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay, với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD.
Trong đó, dự án sản xuất xanh sử dụng năng lượng tái tạo trị giá đầu tư gần 1,5 tỷ USD của nhà đầu tư Đức, dự án sản xuất trang thiết bị y tế 600 triệu USD của nhà đầu tư Nhật Bản, dự án sản xuất công nghiệp nặng và logistics trị giá 1,6 tỷ USD của nhà đầu tư Hàn Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.