Dân Việt

Nở rộ bảo hiểm sóng nhiệt

Trần Hoàng 07/05/2023 15:20 GMT+7
Nhu cầu bảo hiểm liên quan đến ảnh hưởng kinh tế và sức khỏe ngày càng tăng, trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới ghi nhận nhiệt độ nóng kỷ lục.

Nở rộ bảo hiểm sóng nhiệt - Ảnh 1.

Người dân ở New Delhi, Ấn Độ đi lấy nước hồi tháng 5/2022. Ảnh: Bloomberg/Japan Times.

Nhiều thành phố và các doanh nghiệp trên thế giới đang phải đối phó với tình hình nắng nóng ngày một nghiêm trọng. Dù đã có những nỗ lực để thích ứng, sóng nhiệt đang đặt gánh nặng tốn kém lên các doanh nghiệp và mỗi cá nhân.

Để giải quyết vấn đề này, một số nhà cung cấp dịch vụ tài chính đã bắt đầu cung cấp các công cụ nhằm giảm rủi ro cá nhân và kinh tế liên quan đến sóng nhiệt.

Từ bảo hiểm sốc nhiệt đến các kế hoạch hoàn trả cho nông dân chăn nuôi bò sữa khi, những giải pháp mới này có thể giúp cộng đồng xây dựng khả năng phục hồi tài chính trước tác động của nóng lên toàn cầu.

Bảo hiểm sốc nhiệt

Bảo hiểm nhân thọ Sumitomo của Nhật Bản đã phối hợp với tập đoàn SoftBank tung ra gói bảo hiểm sốc nhiệt vào năm 2022, và đã bán được 60.000 hợp đồng.

Chi phí bảo hiểm được trả theo ngày, với 100 yen (chưa đến 1 USD) mỗi ngày. Khi mua bảo hiểm trước 9h, người mua sẽ được chi trả viện phí và các chi phí y tế khác do nắng nóng trong ngày đó.

Năm nay, công ty bảo hiểm đặt mục tiêu mở rộng doanh số, khi tình trạng nóng lên toàn cầu dự kiến khiến số ca bệnh do sốc nhiệt tăng. Đơn vị bảo hiểm khác là Sompo Japan cũng đã đưa các bệnh do sốc nhiệt gộp vào bảo hiểm thương tật, coi đây là giải pháp hỗ trợ những người đã mua bảo hiểm trước đó.

Nở rộ bảo hiểm sóng nhiệt - Ảnh 2.

Các công ty bảo hiểm ở Nhật Bản đang cung cấp những gói hỗ trợ chi phí các bệnh do nắng nóng. Ảnh: Kyodo.

Hồi tháng 3, Tokyo ghi nhận nhiệt độ trung bình nóng nhất trong tháng này kể từ năm 1876. Trong khi đó, thành phố này năm 2022 cũng đã ghi nhận kỷ lục tháng 6 nóng nhất kể từ năm 1875.

Bò sữa được nhận bảo hiểm

Không chỉ con người mới bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng bức. Tình hình hiện nay có thể khiến những con bò mắc các bệnh do trời nóng, từ đó làm giảm sản lượng sữa.

Công ty nghiên cứu nông nghiệp ITK cùng công ty tái bảo hiểm SCOR năm 2021 cho biết họ đang tung ra một giải pháp bảo vệ người chăn nuôi bò trước những thiệt hại kinh tế từ vật nuôi bị bệnh do nắng nóng. Những nông dân mua bảo hiểm sẽ nhận được tiền nếu điều kiện thời tiết đáp ứng những tiêu chí sẽ được chi trả tiền bảo hiểm.

Bảo hiểm cũng giúp các nhà sản xuất sữa dự đoán được tình trạng bệnh do nắng nóng, từ đó có các giải pháp tăng cường thích ứng cho vật nuôi.

Kế hoạch này ban đầu chỉ áp dụng với bò, song ITK cho biết sẽ có những điều chỉnh để bù đắp tổn thất do nhiệt độ ở trang trại các loài động vật khác.

Vào năm 2022, có khoảng 75.000 con bò sữa tại Pháp được bảo hiểm, và những nông dân đã được chi trả hơn 200.000 USD.

Nở rộ bảo hiểm sóng nhiệt - Ảnh 3.

Các chủ trang trại bò sữa cũng được hỗ trợ bảo hiểm liên quan đến nắng nóng, nhân tố khiến bò mắc bệnh và giảm sản lượng sữa. Ảnh: CNBC.

Hỗ trợ tiền lương

Ấn Độ năm nay ghi nhận hai tháng nóng nhất kể từ năm 1901. Các chuyên gia dự báo đợt nắng nóng gay gắt tương tự năm 2022 sẽ lặp lại, gây thiệt hại cho mùa màng và đặt sức ép lên hệ thống lưới điện của đất nước.

Trong khi đó, nhiều lao động tại Ấn Độ phải làm việc ngoài trời, trong điều kiện tiếp xúc thời gian dài với nắng nóng.

Trước tình hình đó, Trung tâm Phục hồi của Quỹ Adrienne Arsht-Rockefeller và Hiệp hội Phụ nữ Tự làm chủ (SEWA) đang đưa ra gói trợ cấp 3 USD mỗi ngày, nếu điều kiện thời tiết ngày đó được đánh giá là sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Ấn Độ là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan hơn như sóng nhiệt, lũ lụt lớn và hạn hán nghiêm trọng đã giết chết hàng nghìn người mỗi năm và gây thêm sức ép kinh tế do làm hao hụt sản lượng nông nghiệp.

So với năm 2015, số bang tại Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi sóng nhiệt đã tăng gấp đôi, lên 23 bang vào năm 2020. Năm 2022, quốc gia Nam Á trải qua tháng 3 nóng nhất trong một thế kỷ, phá hủy vụ thu hoạch ngũ cốc và buộc Ấn Độ phải giảm xuất khẩu.

Bảo hiểm mùa màng

Nông nghiệp vốn chịu những rủi ro từ hạn hán và sâu bệnh, nhưng biến đổi khí hậu đang khiến tình hình thêm nghiêm trọng.

Công ty khởi nghiệp Hillridge Technology có trụ sở tại Australia đã phát triển một nền tảng nhằm giúp nông dân giải quyết rủi ro thời tiết.

Dale Schilling, đồng sáng lập của Hillridge Technology, nói giải pháp này giúp nông dân mua hợp đồng bảo hiểm để phòng ngừa các mối đe dọa không được bảo vệ bởi các hợp đồng nông nghiệp truyền thống.

Nở rộ bảo hiểm sóng nhiệt - Ảnh 4.

Nông dân tại Ấn Độ thu hoạch lúa mì. Ảnh: AP.

Ông Schilling nói bảo hiểm cây trồng truyền thống sẽ giải quyết cho các vụ cháy rừng và mưa đá, nhưng không bảo hiểm trong những trường hợp bệnh về nhiệt làm chết cây trồng, hạn hán, mưa kéo dài hay sương giá, vốn có thể làm giảm năng suất của nông dân.

Với giải pháp của Hillridge, phí bảo hiểm "mở rộng" có thể cao hơn, nhưng cũng bao phủ được nhiều tác nhân thiên tai hơn. Nông dân sẽ nhận tiền bảo hiểm nếu thời tiết cực đoan xảy ra và nông dân chứng mình được rằng điều đó khiến mùa màng của họ thua lỗ.

Ông Schilling cho biết Hillridge Technology ra mắt tại Australia vào năm 2021 và có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam và Indonesia.

Hợp đồng thời tiết tương lai

Hợp đồng bảo hiểm thời tiết tương lai (Weather future) đang dần phổ biến trong những năm gần đây, khi nhận thức về rủi ro khí hậu gia tăng.

Theo Investopedia, đây là nghĩa vụ pháp lý mà bên mua sẽ phải trả thêm khoảng tiền dựa trên thay đổi về nhiệt độ tại một thời điểm quy định.

Chẳng hạn, nếu tháng 10 trong năm ấm hơn dự kiến và khách hàng không có nhiều nhu cầu dùng máy sưởi, điều này sẽ khiến công ty năng lượng thua lỗ. Nhưng nếu có hợp đồng bảo hiểm thời tiết tương lai, công ty sẽ nhận được khoản tiền bồi thường nếu thua lỗ liên quan đến thay đổi về nhiệt độ.

Đây là giải pháp đang được sử dụng nhiều trong ngành năng lượng và nông nghiệp, được Chicago Mercantile Exchange (CME) tung ra vào năm 1999. Cơ chế này giúp các doanh nghiệp phần nào bù đắp tổn thất nếu doanh thu của họ bất ngờ sụt giảm do thời tiết.

Các chuyên gia ước tính rằng khoảng 20% nền kinh tế Mỹ dễ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết, và lợi nhuận của hầu hết ngành công nghiệp đều thay đổi theo tác động của yếu tố này.

Trong 3 tháng đầu năm nay, số lượng hợp đồng bảo hiểm thời tiết tương lai trung bình mỗi ngày của CME đã tăng 560% so với cùng kỳ năm 2022.

Tập đoàn cho biết sự tăng trưởng này đến từ nhiều khách hàng, bao gồm các công ty bảo hiểm, quỹ tương hỗ và quỹ phòng hộ cũng như các công ty năng lượng.