Một cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm đã cướp đi 83330 người con của Pháp (trong đó 27.500 người lính Đông Dương, 11.600 lính Lê dương, 15.200 lính Bắc Phi). Trong đó có 1/3 là lính bản địa tuyển mộ đã mất. Một con số đáng kể trong chiến tranh, chưa kể đến người bị thương và tù binh. Trận chiến ngay tướng Pháp đã phải kéo cờ trắng ra đầu hàng.
Thật trớ trêu, nước Pháp không đồng ý để toại nguyện linh hồn người quá cố, họ đã làm quốc tang và đưa ông về quê yên nghỉ. Việc xin trải tro cốt ở chiến trường thất trận xưa có phải là trò đùa với nước Pháp – nổi tiếng một thời vinh quang mênh mông thuộc địa khắp toàn cầu !
Trước 1954, nước Pháp quảng cáo rầm rộ việc tuyển mộ quân với lời chào đầy tương lai sáng láng cho lớp trẻ ở Pháp và thuộc địa. Quảng cáo viết: "Hãy gia nhập quân đội thuộc địa, bạn sẽ trở thành chỉ huy".
Nhiều tờ quảng cáo đi lính chiến trận mà như quảng cáo du lịch khám phá vùng đất lạ để thu hút lớp trẻ. Hình ảnh Vịnh Hạ Long phong cảnh hữu tình, cùng bến đò, đình chùa với những người dân hiền hòa. Nhưng với những người trẻ ấy, đó chỉ là sự cám dỗ nhất thời. Họ phải tham gia khốn khổ đổ máu ở Điện Biên Phủ.
Niềm tin nước Pháp vĩ đại bách thắng với quân đội và vũ khí tối tân hơn đám Việt Minh gấy còm ốm yếu như gọng đu đủ cùng với quảng cáo đầy hấp dẫn đã lôi cuốn họ. Họ không hiểu sức mạnh tiềm ẩn trong người dân Việt bé nhỏ đó là tình yêu nước. Người Việt sẵn sàng xả thân hy sinh tất cả để giành độc lập. Tình yêu nước đó đã chiến thắng.
Ngay cả những lính Pháp cũng nhìn thấy sự hy sinh vì nước Pháp một cách phi lý. Đó là một cuộc xâm chiếm thuộc địa!
Tháng 4 vừa qua, hội Ái Hữu Pháp Việt đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Bài trừ chủ nghĩa thực dân mới ngày nay" . Ông Alain Ruscio - nhà sử học người Pháp, đã đọc một tham luận về chủ đề này.
Nước Pháp đã hết mơ thuộc địa. Đông Dương với trận Điện Biên, sau đến chiến tranh Algérie trở thành những bài học đáng nhớ trong lịch sử chiến tranh của Pháp.
Sau đó, họ mời bà Trần Tố Nga - nạn nhân chất độc da cam trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nói về cuộc chiến đòi đền bù cho nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam.
Kết thúc hội thảo, bà Trần Thu Dung - nhà văn, chủ tịch câu lạc bộ Yêu Biển Đảo Việt Nam tại Pháp, đã phát biểu: "Việt Nam vẫn chưa thực sự bình an. Ngoài khơi, những quần đảo Hoàng Sa Trường sa thuộc chủ quyền Việt Nam vẫn luôn bị Trung Quốc nhăm nhe thôn tính. Nhiều tàu đánh cá Việt Nam đã bị đâm thủng… Đó có phải mưu đồ toan tính một hình thức chủ nghĩa thực dân mới ngay nay ở khu vực biển Đông, cậy cá lớn đe dọa nuốt cá bé…"…
Sau hội thảo là trình chiếu bộ phim về người lính Pháp phản chiến dũng cảm Henri Martin đấu tranh không tham gia chiến tranh Đông Dương. Thước phim tài liệu cũ quý báu ghi lại hình ảnh những người Pháp tiến bộ chân chính yêu hòa bình, chống thực dân xuống đường rầm rộ đòi thả tự do cho Henri Martin. Sự ủng hộ của những người như thế đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Điện Biên Phủ đã qua rồi. Đông Dương vẫn đi vào nỗi nhớ, như nhắc nhở thế hệ Pháp qua tên những con đường. Ít ai biết ở Pháp có 210 con đường liên quan đến Việt Nam như Cao Bằng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hồ Chí Minh…
Những tên địa danh như Sơn Tây, Bắc Ninh là những trận chiến thắng của Pháp khi xâm lược Việt Nam. Duy nhất chỉ có một con đường làng bé nhỏ với cái tên "Những người từ Điên Biên Phủ" do những người cựu tù binh xưa trở về xin đặt tên.
Gần đây nhất có thêm vài con đường mang tên Việt Nam, Đống Đa, "Hiệp định Paris", Hồ Chí Minh để kỷ niệm mối quan hệ bang giao đã thiết lập giữa hai nước.
Đặc biệt ở Pháp có 8 con đường mang tên Hồ Chí Minh. Trước 1954, Hồ Chí Minh được coi là kẻ thù không đội trời chung của nước Pháp.
Gần đây có cuốn sách với tựa đề hấp dẫn "Từ điển chiến tranh Đông Dương 1945-1954" của Jacques Daloz chẳng khác gì một hồi ký chiến tranh.
Đoàn kết, chung sống hòa bình trên quả địa cầu là khát vọng của nhiều người trên thế giới. Chiến tranh là điều không ai muốn. Trận Điện Biên Phủ không chỉ là tổn thất của riêng nước Pháp. Cuộc chiến ấy đã gây bao đau thương cho Việt Nam. Bao nhiêu người đã hy sinh, để ngay nay Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới và trở thành bạn giao hữu với Pháp trên phương diện chiến lược, ngoại giao và kinh tế từ 50 năm nay.
Năm 2016, lần đầu tiên đội bóng đá futsat Việt Nam được tham dự chung kết thế giới ở Colombie. Ông Trần Anh Tú bầu đội tuyển, trên đường sang trước để bắt thăm, ông có dừng chân ở Paris. Ông ghé thăm thành phố biển Fréjus, nơi có bảo tàng chiến tranh Đông Dương và chùa đầu tiên của người Việt xây từ 1908. Ông chính là con một người lính Điện Biên năm nao đã đến đây thắp hương cầu mong thế giới hòa bình.
Nếu không có cuộc chiến thắng Điện Biên đẫm máu và công sức của cha ông liệu có hôm nay đội tuyển Việt Nam có mặt ở đá bóng futsal thế giới? Giá trị của độc lập tự do chính là đây, cho dù cái giá phải trả đầy máu và nước mắt.
Bao hận thù được xóa bỏ tất cả vì hòa bình. Văn hóa, thể thao là những cầu nối vô hình hữu hiệu nhất cho tình hữu nghị anh em trên trái đất. Những cô gái áo tứ thân, lung linh chiếc nón quai thao cùng những bản nhạc dân tộc Việt vang lên giữa Paris thu hút được tình cảm bạn bè thế giới.
Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp - Việt được Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức trọng thể ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Một trung tâm văn hóa Việt Nam được thành lập ngay quận 13, Paris, khu vực châu Á lớn nhất châu Âu đã chứng minh sức mạnh mới của văn hóa Việt Nam đang lan tỏa đi khắp năm châu.
Và một tượng đài kỷ niệm những người lính Pháp đã mất ở Điên biên Phủ cũng chứng minh mối hận thù chiến tranh đã hoàn toàn xóa bộ. Trận Điện Biên Phủ giờ chỉ là một kỷ niệm nhắc nhở thế hệ tương lai hãy yêu hòa bình và chống chiến tranh.