Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay chính sách
Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, năm 2015, gia đình bà Phạm Thị Thu (xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường) đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Trường để đầu tư cơ sở vật chất, nuôi cá lồng dưới sông Hồng.
Là hộ đầu tiên ở địa phương triển khai nuôi cá lồng bè trên sông nước, thời gian đầu gia đình bà Thu gặp không ít khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá truyền thống trong lồng bè, nên tỷ lệ đàn cá bị ốm, bệnh và chết ngày càng nhiều.
Nhờ sự kiên trì, ham học hỏi, những năm tiếp theo, mô hình nuôi cá lồng cũng dần ổn định, đàn cá phát triển, sinh trưởng tốt, đẹp mã và chất lượng cao. Gia đình bà Thu bắt đầu có lợi nhuận, chỉ 3 năm sau, gia đình bà đã trả được hết nợ cho ngân hàng.
"Hiện mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của gia đình tôi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi đã thoát nghèo, có của ăn, của để", bà Thu tâm sự.
Bà Thu cho biết, mô hình nuôi cá lồng trên sông của gia đình đang tạo việc làm cho 1 số lao động địa phương với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Sau thành công từ mô hình nuôi cá lồng, gia đình bà tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Trường cho vay thêm 100 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất.
Sau thời gian xa quê, thử thách với nhiều ngành nghề để kiếm sống, năm 2019 chàng trai sinh năm 1991 Trần Xuân Thành (xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) quyết định trở về quê lập nghiệp.
Thông qua sự giới thiệu và giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, anh Thành được vay 50 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Trường, cùng với số vốn tích luỹ được sau nhiều năm buôn ba, anh quyết định mở xưởng cơ khí dân dụng trên mảnh đất của gia đình.
Anh Thành cho biết, nhờ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Trường, anh mới có tiền để trang bị máy móc, nguyên vật liệu, cùng nhiều thiết bị khác, đáp ứng cho công việc.
Sau 1 thời gian xưởng đi vào hoạt động, số lượng đơn đặt hàng bắt đầu nhiều lên. Do công việc làm ăn thuận lợi, nên chỉ trong vòng 2 năm, anh Thành đã nhanh chóng trả được hết khoản tiền vay từ ngân hàng.
Hiện, xưởng cơ khí của anh Thành đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Do nhu cầu cần vốn để mở rộng xưởng sản xuất, đầu năm 2022, anh Thành tiếp tục được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Trường tin tưởng cho vay 100 triệu đồng để đầu tư máy móc công nghệ cao, thuê mặt bằng, thuê nhân công để nhân rộng xưởng cơ khí sang một số địa phương lân cận.
Nông dân được tiếp cận nguồn vay vốn kịp thời
Ông Phạm Văn Thực, Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường cho biết, những năm qua, trên địa bàn xã có khoảng 200 hộ gia đình được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Từ nguồn vốn ban đầu, nhiều hộ đã đầu tư vào các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, không những trả được hết nợ mà còn được Ngân hàng Chính sách xã hội tin tưởng cho vay thêm để mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Theo ông Doãn Đình Tam, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Trường, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai nhiều chương trình vay vốn với hàng nghìn đối tượng chính sách được thụ hưởng. Các hộ gia đình đã biết tận dụng nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình.
Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh Nam Định thông tin, trong 5 năm qua, đã có trên 164.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với doanh số cho vay trên 5.290 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Nam Định giai đoạn 2016 - 2020.
Theo ông Đoàn Văn Định, Phó Giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội tỉnh Nam Định, dòng vốn tín dụng đang mang lại hiệu quả, là đòn bẩy giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Nam Định có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
"Thời gian tới, bên cạnh những nguồn vốn mà Trung ương chuyển về thì ngân hàng sẽ tạo lập và bổ sung nguồn vốn bằng cách huy động từ nhiều nguồn khác nhau để giải ngân cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng", ông Định cho hay.
Tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh Nam Định hiện đang giảm theo từng năm. Cụ thể, cuối năm 2021, tỉnh Nam Định có 11.088 hộ nghèo (tỷ lệ 1,74%); 32.062 hộ cận nghèo (tỷ lệ 5,04%) thì đến hết năm 2022, tỉnh Nam Định có 8.522 hộ nghèo (tỷ lệ 1,32%); 22.241 hộ cận nghèo (3,45%).