Dân Việt

Nhà đầu tư điện tái tạo tiếp tục 'cầu cứu' giá mua bán điện với EVN

PV 08/05/2023 17:10 GMT+7
Lần thứ 2, các nhà đầu tư điện tái tạo lại gửi công văn kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án chuyển tiếp nhưng chưa đàm phán được giá mua bán điện đầu vào.
Nhà đầu tư điện tái tạo tiếp tục 'cầu cứu' giá mua bán điện với EVN - Ảnh 1.

Chủ đầu tư các dự án điện gió mong Bộ Công Thương có hướng dẫn để có thể đàm phán về giá điện đầu vào

Theo nguồn tin của phóng viên Báo SGGP, 23 nhà đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp (đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được vận hành thương mại) vừa tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị một số chính sách và đề xuất các giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế đàm phán giá phát điện tái tạo chuyển tiếp.

Trong văn bản kiến nghị, các nhà đầu tư cho rằng, hiện mới chỉ có 28/85 nhà đầu tư điện tái tạo chuyển tiếp nộp hồ sơ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đàm phán giá mua bán điện. Tuy nhiên, nhiều hồ sơ nộp chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán hoặc tiến độ đàm phán còn rất chậm do còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở để tính toán giá điện và đàm phán.

Trong khi, EVN cũng đã báo cáo các vướng mắc trong đàm phán giá điện gửi Bộ Công thương. Trong đó, có vướng mắc về thời hạn hợp đồng, phương pháp xác định giá đàm phán (phương pháp xác định các thông số đầu vào và nguyên tắc xác định giá điện) dẫn đến việc chưa có cơ sở để hoàn thành công tác đàm phán giá điện. Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn chưa hướng dẫn cụ thể.

Vì vậy, các nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền làm cơ sở pháp lý cho EVN và chủ đầu tư đàm phán. Các nhà đầu tư cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương và EVN cho phép huy động tạm thời với các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán giá phát điện (chính thức).

Trong thời gian huy động tạm thời, các nhà đầu tư đề xuất 3 phương án giá tạm. Thứ nhất, giá tạm bằng 90% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21 mà Bộ Công thương ban hành ngày 7-1-2023, trong thời gian từ khi bắt đầu huy động cho đến khi các bên mua bán thống nhất được giá cuối cùng, không hồi tố.

Hoặc thứ 2 là, giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21 trong thời gian huy động tạm thời, sau khi các bên mua bán thống nhất được giá cuối cùng, EVN sẽ thực hiện thanh toán bằng mức giá đã thống nhất cho toàn bộ thời gian từ thời điểm dự án được huy động sản lượng điện.

Hoặc thứ 3 là, giá tạm tính bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21 và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm. Thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư cho biết, tình thế đang rất khó khăn khi vốn đầu tư bỏ ra, dự án đã hoàn thành nhưng không bán được điện. Hiện tổng dư nợ của các dự án chuyển tiếp lên tới 60.000 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ của Vietcombank và tương đương 44% tổng dư nợ xấu của toàn ngành ngân hàng Việt Nam thời điểm cuối năm 2022. Do đó, cần tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để tránh rủi ro vi phạm cam kết trả nợ của các dự án.

Các nhà đầu tư cũng cho biết, về phía EVN, ngày 26-4 vừa qua, tập đoàn đã có công văn gửi Công ty Mua bán điện của EVN (EPTC) đề nghị chỉ đàm phán với những dự án có giá đề xuất tạm dưới 50% và không hồi tố.

Cụ thể, với đề xuất này, mức giá tạm cho nhà máy điện mặt trời mặt đất sẽ là 592,45 đồng/kWh; nhà máy điện mặt trời nổi là 754.13 đồng/kWh; nhà máy điện gió trong đất liền là 793,56 đồng/kWh; nhà máy điện gió trên biển là 907,97 đồng/kWh). Nếu trong trường hợp giá tạm này được thanh toán, không hồi tố và trừ vào thời gian Hợp đồng PPA, thì đây sẽ trở thành giá điện thanh toán chính thức.