Trình bày tờ trình dự án luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật các tổ chức tín dụng hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng,...
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật được bố cục gồm 13 Chương, 195 Điều. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng (TCTD) như: sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan tại TCTD...
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu, Hội đồng thành viên của TCTD là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử như: bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng…
Để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD … Dự thảo Luật cũng rà soát, điều chỉnh kỹ thuật một số nội dung để đảm bảo rõ ràng, phù hợp, thống nhất với các Luật hiện hành.
Ngoài ra, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, dự thảo Luật đã luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD về nợ xấu, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án.
Gợi ý nội dung thảo luận về dự an Luật các tổ chức tín dụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là dự án luật lớn, với hơn 195 điều. "Lần này là sửa đổi một cách toàn diện nhưng chưa được làm rõ quy mô sửa đổi bao nhiêu điều, giữ nguyên những điều nào", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề.
Về phạm vi điều chỉnh, theo Chủ tịch Quốc hội dự án Luật mới chỉ đề cập "một chút" về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhưng vấn đề của Ngân hàng chính sách, Ngân hàng phát triển lại không để cập đến. Trong khi đây là những định chế tài chính quan trọng nhưng lại không có Luật quy định mà chỉ hoạt động theo văn bản dưới Luật. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn trong thực tiễn hoạt động, thậm chí phải thực hiện quá trình tái cơ cấu. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng đại diện các cơ quan cho ý kiến thêm về nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn, các ngân hàng thương mại hiện nay hầu như lập ra hoạt động chủ yếu vẫn là cho vay, trong khi các dịch vụ ngân hàng phi tài chính lại không được quan tâm.
Liên quan đến lĩnh vực số hóa ngân hàng, Fintech, Chủ tịch Quốc hội cho biết, quy định trong dự thảo mới chỉ ở mức độ giao dịch điện tử theo hình thức bản giấy nhưng trên nền tảng điện tử. Trong khi đó, Luật Giao dịch điện tử chỉ quy định về quy trình, thủ tục của vấn đề giao dịch điện tử, còn nội hàm cụ thể như thế nào là do các luật chuyên ngành quy định.
"Nếu luật này ra đời cộng với Luật Giao dịch điện tử cũng không đáp ứng được vấn đề phát triển và xây dựng hệ thống số hóa, xây dựng Fintech trong giai đoạn hiện nay", Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn và yêu cầu phải nghiên cứu để có ý kiến thỏa đáng.
Về tập đoàn tài chính, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong chiến lược của NHNN đã được phê chuẩn đến năm 2025 và định hướng 2030 có đề cập: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xác định trách nhiệm NHNN trong thanh tra, giám sát các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng, đầu mối phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng khung khổ pháp lý về tập đoàn tài chính. Vấn đề đặt ra theo Chủ tịch Quốc hội là nội hàm tập đoàn tài chính là gì, khung khổ thế nào thì luật này có quy định không?
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về các quy định về tài chính của ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khi dự thảo quy định chế độ tài chính của ngân hàng thương mại và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ.
"Vậy quy định của Chính phủ là thế nào? Các vấn đề về doanh thu, chi phí, doanh thu nhận trước, lãi dự thu, trích lập dự phòng, hoàn dự phòng, hạch toán lại lỗ, chế độ kế toán, kiểm toán, vấn đề trích lập các quỹ như thế nào? Luật về các tổ chức tín dụng, nhưng tài chính của các tổ chức này lại không được quy định", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Ngoài ra, chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý đến nội dung về trách nhiệm của Bộ Tài chính, phân định thẩm quyền của NHNN và Thống đốc NHNN, những nội dung liên quan đến hoạt động phát hiện sớm, xử lý các tổ chức tín dụng, can thiệp các biện pháp đặc biệt.
Riêng đối với vấn đề giao thoa giữa ngân hàng với bảo hiểm, giao thoa giữa ngân hàng với đầu tư chứng khoán, trái phiếu, theo Chủ tịch Quốc hội là vấn đề rất lớn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong những sự việc này.