TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, thị trường vốn phát triển hơn 10 năm nay, trong đó trái phiếu và chứng khoán phát triển đến mức độ vượt bậc, nhất là trong đại dịch Covid-19. Thế nhưng kết quả để lại đến thời điểm này đó là sự khó khăn của thị trường trái phiếu. Điều đáng nói, khi thị trường vốn rơi vào tình trạng "lâm nguy", nền kinh tế "dựa" vào thị trường tiền tệ, đưa thị trường này thành chủ lực. Khó khăn trong điều hành cũng vì thế.
Đưa ra một dẫn chứng, đó là trong khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tới 10 lần tăng lãi suất liên tiếp, đưa lãi suất lên mức cao nhất 15 năm, thì tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước lại giảm lãi suất. Ông Hùng đặt câu hỏi: "Liệu điều này có ngược với thế giới không và liệu có phù hợp với kinh tế không?". Từ đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng thẳng thắn thừa nhận, hiện Ngân hàng Nhà nước "đang đi trên dây", vừa điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế. Từ đó, ông bày tỏ lo ngại, nếu không cẩn thận những khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn lên vai ngân hàng thương mại.
"Nếu ngày hôm nay doanh nghiệp khó khăn dồn hết vào ngân hàng, thời gian tới ngân hàng khó khăn thì doanh nghiệp chết", TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Hùng, thời gian qua, công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước rất phù hợp với thực trạng của nền kinh tế, bởi nếu không sẽ không có việc nhà quản lý tiền tệ giảm lãi suất khi Fed vẫn không ngừng tăng lãi suất.
Ông cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nếu không điều hành giật cục thì những tháng cuối năm 2022 liệu có tăng trưởng hay sẽ thêm xấu; đồng thời sẽ có thêm bao nhiêu ngân hàng như SCB đổ vỡ?
"Tôi nhìn nhận khách quan thì thấy được ngành ngân hàng thực sự rất khó khăn trong điều hành và để có được kết quả như ngày hôm nay đó là sự nỗ lực của hệ thống, từ Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại. Có những lúc dù các ngân hàng không "bằng lòng" với chính sách của Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn phải chấp nhận để phù hợp với quan điểm và định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước đó là vừa ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống và có thể hỗ trợ tăng trưởng", TS. Hùng nêu rõ.
Trong thời gian tới, ông hy vọng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ ổn định, thận trọng nhưng phải linh hoạt hơn. Có nghĩa là, tránh tình trạng xã hội dư luận đánh giá rằng, Ngân hàng Nhà nước có những điều hành chưa phù hợp nhất là trong tăng trưởng tín dụng.
"Tôi nghĩ rằng, Ngân hàng Nhà nước nên phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm một cách rõ ràng, sòng phẳng. Không điều chỉnh tốc độ tăng trưởng, trừ trường hợp nền kinh tế cần thêm nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng", Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng khuyến cáo.
Ngoài ra, ông Hùng đặc biệt đề nghị Chính phủ nhanh chóng "tiêu hết" gần 1 triệu tỷ đồng đầu tư công. Nếu vướng mắc phải hoàn thiện cơ chế để các Bộ ngành địa phương có thể triển khai tốt.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong hỗ trợ nền kinh tế bằng việc giảm thuế tối đa cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất – kinh doanh.
Còn theo bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thời gian tới, chính sách tiền tệ vẫn phải rất thận trọng để giảm các rủi ro, áp lực từ lạm phát, tỷ giá, lãi suất.
"Hiện Việt Nam vẫn còn dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải thúc đẩy giải ngân đầu tư công để đưa dòng tiền mới vào nền kinh tế, từ đó lan tỏa và tạo tác động tích cực", bà Nga khuyến nghị.
Chia sẻ từ góc độ quản lý nhà nước, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, mặc dù Fed đã tạm dừng tăng lãi suất, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao. Hơn nữa, nguy cơ lạm phát tiềm ẩn trong nước và thế giới vẫn rất lớn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng, linh hoạt để vừa đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trong khi đó chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam cần sớm có kịch bản riêng để mọi việc không trở nên xấu đi, bên cạnh việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đầu tư công, tạo công ăn việc làm, bơm vốn trong nền kinh tế. Nội tại nền kinh tế đang đối mặt với nhiều bài toán khó khăn trên nhiều lĩnh vực, như chậm giải ngân đầu tư công, vướng mắc pháp lý và sự suy yếu của thị trường bất động sản, áp lực điều chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp…
Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ban, ngành, địa phương, cùng tham gia xây dựng gói giải pháp chung tổng thể, nhằm tăng cường tính liên kết giữa các chính sách nói chung và giúp gia tăng hiệu quả chính sách tiền tệ nói riêng. Bên cạnh đó, gia tăng hiệu quả thực thi các gói hỗ trợ phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.