Dân Việt

Nam Định: Đưa nông sản lên Trạm xanh số, nông dân không lo đầu ra, doanh nghiệp tăng thu nhập

Mai Chiến 11/05/2023 13:44 GMT+7
Sáng 11/5, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội thảo "Kết nối thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Đồng bằng sông Hồng" với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, địa phương.

Hội thảo là sự kiện khởi đầu cho chuỗi các sự kiện hướng tới Hội nghị giao ban Khoa học và công nghệ vùng đồng bằng Sông Hồng và chuỗi sự kiện thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023 tại tỉnh Nam Định (Techfest Nam Định 2023).

Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường, doanh nghiệp khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu tại Hội thảo. Video: Mai Chiến.

Nam Định có nhiều tiềm năng phát triển khoa học công nghệ

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường, doanh nghiệp khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, tỉnh Nam Định là trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế vịnh Bắc bộ.

Đưa nông sản lên Trạm xanh số, nông dân không phải lo đầu ra, doanh nghiệp tăng thu nhập - Ảnh 2.

Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường, doanh nghiệp khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng phát triển khoa học công nghệ. Ảnh: Mai Chiến.

Với hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại đã tạo cho Nam Định có vị trí rất thuận lợi để kết nối với thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế và các tỉnh lân cận. Với nguồn nhân lực lao động trẻ dồi dào cũng như những tiềm năng phát triển về khoa học công nghệ đã giúp tỉnh Nam Định phát triển mạnh về công nghệ sáng tạo…

Theo ông Đích, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một yếu tố then chốt, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thanh niên là lực lượng hùng hậu, luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, không ngừng phấn đấu để hiện thực hóa, chinh phục ước mơ.

Đưa nông sản lên Trạm xanh số, nông dân không phải lo đầu ra, doanh nghiệp tăng thu nhập - Ảnh 3.

Nông dân Nam Định áp dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa. Ảnh: Mai Chiến.

"Hãy lấy các doanh nghiệp khởi nghiệp làm trung tâm của sự phát triển, nhưng chính bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh Nam Định cũng cần có sự chủ động trong việc đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa.

Đặc biệt là chủ động tham gia giải quyết những bài toán lớn, thực tiễn của khu vực, ví dụ như trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, về chuỗi cung ứng, logistics; những vấn đề về kinh tế tuần hoàn hay phát thải xanh…", ông Đích nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, ông Đích kêu gọi các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh Nam Định tích cực đặt đề bài, các vấn đề thách thức lớn nhỏ để cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, viện trường cùng tham gia giải quyết.

Trạm xanh MEVI ra đời giúp nông dân tiêu thụ nông sản

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, ngày nay việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu, giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp so với trước đây.

Ở Việt Nam, hiện nay các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng các công nghệ hiện đại để tối ưu hoá quá trình sản xuất đang được quan tâm nhằm giải quyết các vấn đề về nông nghiệp cho bà con nông dân.

Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng làng Nông nghiệp thông minh Techfest Việt Nam cho hay, thời gian tới sẽ có khoảng 500 điểm Trạm xanh ra đời. Video: Mai Chiến.

Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng làng Nông nghiệp thông minh Techfest Việt Nam, đồng thời là Sáng lập Hệ sinh thái MEVI chia sẻ, đơn vị đã xây dựng được hệ sinh thái làng nông nghiệp với 6 trụ cột chính gồm: Mentor Coach, Tổ chức hỗ trợ, Cơ quan nhà nước, Nhà đầu tư, Các viện trường nghiên cứu, Doanh nghiệp tập đoàn phân phối.

"Nhờ sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị, chúng tôi đã xúc tiến thương mại cho 1.200 sản phẩm nông sản của các địa phương với sự tham gia của 600 doanh nghiệp", bà Thu nói.

Đưa nông sản lên Trạm xanh số, nông dân không phải lo đầu ra, doanh nghiệp tăng thu nhập - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng làng Nông nghiệp thông minh Techfest Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Mai Chiến.

Thời gian qua, để tháo gỡ nút thắt xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông sản ra ngoài thị trường, Làng Nông nghiệp thông minh Techfest Việt Nam đã xây dựng mô hình Trạm xanh MEVI.

Hiện nay, mô hình Trạm xanh MEVI đang được triển khai tại 8 tỉnh, thành trên toàn quốc và mô hình đang được chạy thử nghiệm bên nước bạn Lào. Dự kiến, thời gian tới, sẽ có khoảng 500 điểm Trạm xanh MEVI ra đời, được đặt tại các địa phương trên cả nước, nhằm tạo hệ sinh thái, tiêu thụ nông sản cho các chủ thể OCOP, HTX, THT…

"Mô hình Trạm xanh MEVI ra đời đã giải quyết được 2 vấn đề. Thứ nhất, Trạm xanh là nơi để khách hàng, người tiêu dùng được trải nghiệm, ăn thử các sản phẩm nông sản và được nghe các đại sứ nông sản kể về quy trình canh tác, chế biến, đóng gói nông sản.

Thứ hai, Trạm xanh là nơi cung cấp các sản phẩm nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Khách hàng có thể mua nông sản tại các điểm Trạm xanh cố định hoặc Trạm xanh số", bà Thu chia sẻ.

Theo bà Thu, Trạm xanh MEVI mặc dù mới ra đời trong thời gian ngắn nhưng đã tạo ra tín hiệu tích cực, tăng doanh thu cho các chủ thể OCOP, HTX… Đơn cử như tại Lạng Sơn, thời gian đầu, mô hình Trạm xanh chạy thử 3 giờ đồng hồ đã đạt doanh thu trên 13 triệu đồng; hay tại Cao Bằng, sau 1,5 giờ đồng hồ chạy thử, doanh thu tại Trạm xanh đã đạt hơn 5 triệu đồng.

Đưa nông sản lên Trạm xanh số, nông dân không phải lo đầu ra, doanh nghiệp tăng thu nhập - Ảnh 6.

Trạm xanh MEVI bày bán, giới thiệu nhiều nông sản sạch của các địa phương trên cả nước. Ảnh: Mai Chiến.

Thậm chí, đã có Trạm xanh đạt doanh thu cao nhất là 40 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, Trạm xanh số cũng đã mang lại tín hiệu vui, khi lượt truy cập, tương tác ngày càng tăng lên; nông sản được bán qua Trạm xanh số cũng tăng mạnh.

"Mô hình Trạm xanh MEVI rất phù hợp với các tỉnh miền núi; khu vực xa khu dân cư, gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển, quảng bá sản phẩm. Qua mô hình Trạm xanh, sẽ giúp các doanh nghiệp, nông dân đưa nông sản sạch, an toàn tới tận tay người tiêu dùng", bà Thu thổ lộ.

Thời gian tới, để mô hình Trạm xanh MEVI phát triển đồng bộ, MEVI sẽ tập trung vào công tác hỗ trợ, đào tạo, nâng cao kiến thức cho các đại sứ nông sản, thông qua đó các đại sức sẽ lan tỏa nông sản tại địa phương; ngoài ra phối hợp với các địa phương tìm kiếm, kêu gọi doanh nghiệp đưa nông sản sạch vào Trạm xanh để quảng bá, tiêu thụ; bên cạnh đó xây dựng các mô hình Trạm xanh ở những nơi có vị trí thuận lợi…

"Làng Nông nghiệp thông minh Techfest Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trên cả nước tổ chức các chương trình đổi mới sáng tạo, thiết lập, xây dựng mô hình dịch vụ trên môi trường số", bà Thu bộc bạch.