Dân Việt

Kinh nghiệm tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi hiệu quả của ông nông dân Hà Nội

K.Nguyên 12/05/2023 14:24 GMT+7
Mạnh dạn tiêm thử nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi do Công ty CP AVAC Việt Nam sản xuất từ tháng 8/2022, đến nay, đàn lợn của ông Lê Viết Thể ở thôn Địch Trung, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) vẫn phát triển khỏe mạnh.

Đến nay, hầu hết các trại trên địa bàn xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) đều đã tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn, kết quả ban đầu cho thấy, hiệu quả bảo hộ rất cao.

Tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn an toàn trong "bão" dịch

Đến thời điểm này, trang trại chăn nuôi lợn của ông Lê Viết Thể ở thôn Địch Trung, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã sử dụng thử nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi được gần 1 năm, kể từ thời điểm tháng 7/2022 khi ông mạnh dạn tiêm những mũi vaccine dịch tả lợn châu Phi đầu tiên do Công ty CP AVAC Việt Nam sản xuất.

Là người có hơn 30 năm lăn lộn trong nghề chăn nuôi lợn, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, ông Thể bảo chưa thấy loại dịch bệnh nào tàn phá các trang trại như một cơn bão như dịch tả lợn châu Phi. 

"Thời điểm năm 2020, gần như 90% các trang trại chăn nuôi lợn ở Phương Đình bị nhiễm bệnh, chuồng trại tan hoang hết cả, trại lợn nhà tôi may mắn không bị dịch bệnh ghé thăm do thực hiện và kiểm soát tốt vấn đề an toàn sinh học trong chăn nuôi, nâng cao sức đề kháng của đàn lợn nhưng với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi tôi cho rằng phải có vaccine thì mới yên tâm sản xuất được", ông Thể nói.

Kinh nghiệm tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi hiệu quả của ông nông dân Hà Nội - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty CP AVAC Việt Nam (bên phải) kiểm tra tình hình của đàn lợn tại trang trại của ông Lê Viết Thể ở thôn Địch Trung, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: N.Chương.

Chính vì vậy, khi biết thông tin Công ty CP AVAC Việt Nam bắt  đầu thử nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi, ông Thể đề xuất được tiêm thử nghiệm cho trang trại lợn hơn 100 con của mình.

"Hiệu quả cực kỳ tốt, đến nay, sau 1 năm tiêm, trang trại nhà tôi vẫn an toàn trước dịch bệnh, trước chưa có vaccine, muốn bảo vệ đàn lợn thì người lạ tuyệt đối không được vào trang trại nhưng giờ thì thoải mái, mời các bạn vào thăm", ông Thể hồ hởi khoe.

Ông Thể cũng tiết lộ, ông đã vô tình ghép đàn lợn mang mầm bệnh vào đàn lợn đã được tiêm vaccine mà không con nào bị lây bệnh. "Hiệu quả bảo hộ lên đến trên 90%", ông Thể khẳng định.

Đáng chú ý, ông Thể đã tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho tất cả các lứa tuổi của đàn lợn, từ lợn nái, lợn thương phẩm đến lợn con và cho biết, tiêm cho lợn con và lợn mẹ là an toàn nhất, sau khi tiêm khả năng sinh sản của lợn nái tốt, hầu như không bị ảnh hưởng; đàn lợn con vẫn nhanh lớn. Đến nay, ông Thể đã tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi được 2 lứa, lợn mẹ đã tiêm đến vòng thứ hai.

Chia sẻ bí quyết giúp đàn lợn vẫn mạnh khỏe sau khi tiêm dịch tả lợn châu Phi, ông Thể cho biết: "Thứ nhất, phải tiêm đúng liều lượng theo khuyến cáo của doanh nghiệp, đúng kỹ thuật, sau khi tiêm xong phải cho lợn uống chất điện giải để chống sốt trong vòng 15 ngày. Nhờ làm theo cách này, sau khi tiêm, đàn lợn nhà tôi cơ bản thích ứng tốt, chỉ có một vài con bị sốt".

Nhìn thấy hiệu quả của vaccine dịch tả lợn châu Phi tại trang trại của mình, ông Thể đã vận động nhiều trang trại trên địa bàn xã Phương Đình cùng tiêm vaccine của Công ty CP AVAC Việt Nam cho đàn lợn. Đến nay, đã có trên 1.300 con lợn của 30 – 40 hộ nông dân trên địa bàn xã Phương Đình được tiêm loại vaccine này và 100% số lợn sau khi tiêm vẫn khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh.

Anh Nguyễn Văn Hải, ở xã Phương Đình, người đã từng mất cả đàn lợn mấy chục con vì dịch tả lợn châu Phi cho biết, từ ngày anh tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi, anh yên tâm hẳn, đàn lợn phát triển đều, không bị dịch bệnh ghé thăm.

Kinh nghiệm tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi hiệu quả của ông nông dân Hà Nội - Ảnh 2.

Ông Lê Viết Thể ở thôn Địch Trung, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn trong trang trại phát triển rất tốt. Ảnh: N.Chương.

Tiếp tục tối ưu hóa công nghệ, hỗ trợ nông dân chăn nuôi hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty CP AVAC Việt Nam cho biết, triển khai các Kế hoạch giám sát chất lượng và sử dụng 1,2 triệu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của Bộ NNPTNT, tính đến cuối năm 2022, Công ty CP AVAC Việt Nam đã cung ứng, phối hợp với các cơ quan có liên quan, người chăn nuôi sử dụng trên 700.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE trên diện hẹp tại hơn 32 tỉnh, thành phố, trong đó chỉ tính riêng Công ty C.P đã có 545 trại tham gia tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi. 

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố và Công ty AVAC, 100% số lợn được tiêm phòng đều an toàn, hiệu quả, phát triển tốt.

Được biết, Công ty CP AVAC Việt Nam chính thức bước vào cuộc đua nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi từ cuối năm 2020, sau khi Cục Thú y (Bộ NNPTNT) phối hợp với Bộ Nông nghiệp Mỹ chuyển giao nghiên cứu các chủng giống virus để sản xuất vaccine. 

"Chúng tôi chọn vaccine nhược độc vì cho đây là hướng đi khả quan nhất, khả năng bảo hộ cao nhất, giá thành ở mức tốt nhất", ông Điệp khẳng định.

Sau khi được Bộ Nông nghiệp Mỹ chuyển giao giống virus, AVAC tiếp tục tối ưu hơn nữa, chọn 1 trong 3 chủng giống virus được chuyển giao để nghiên cứu, sản xuất vaccine. "Từ giữa năm 2021, chúng tôi có sản phẩm, thử nghiệm bước đầu, cuối năm 2021 đưa vaccine đi đăng ký", ông Điệp thông tin thêm.

Bên cạnh đó, do AVAC chủ động được công nghệ nên tiếp tục nghiên cứu tăng hiệu quả bảo hộ của vaccine, giảm tối đa chi phí cho người chăn nuôi. Theo đó, thay vì tiêm 2 mũi vaccine dịch tả lợn châu Phi, vaccine của AVAC chỉ cần tiêm 1 mũi.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ, nghiên cứu nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo hộ của vaccine, tối ưu hóa giá thành đồng thời mở rộng đối tượng sử dụng, ví dụ cho lợn sinh sản, lợn con theo mẹ”, ông Điệp nói.