Điều dưỡng là đội ngũ không thể thiếu trong mỗi bệnh viện, với công việc đặc thù là luôn quan tâm, chăm sóc và phối hợp với bác sĩ để giúp người bệnh vượt qua nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần từ lúc nhập viện cho tới khi khỏe mạnh và xuất viện. Họ tham gia vào hầu như tất cả các giai đoạn khám chữa bệnh, là người gần gũi nhất với bệnh nhân.
"Sống như những đóa hoa" là những câu chuyện vui buồn, những trăn trở của những người ngày đêm trực tiếp chăm lo từ miếng cơm, ngụm nước, đến tắm rửa, gội đầu… cho người bệnh. Họ phải đối mặt với không ít áp lực, chỉ một sai sót nhỏ đều có thể phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí sinh mạng người bệnh. Vì thế, điều dưỡng được coi là những người có bàn tay mềm nhất và đôi tai thính nhất, chăm sóc người bệnh tỉ mỉ hơn mẹ chăm con.
Điều dưỡng Đỗ Thị Hương, khoa Ngoại – Gan – Mật – Tụy xúc động chia sẻ: "Là điều dưỡng chăm sóc các bệnh nhi ghép gan, tôi chứng kiến các em bé chỉ từ 12-20 tháng tuổi với căn bệnh teo đường mật bẩm sinh quái ác. Màu da các bé vàng sậm do bệnh lý, tiếng khóc cũng chỉ cất lên yếu ớt. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai khi chứng kiến những hình ảnh đó, trái tim cũng đều quặn thắt, thương các con còn quá nhỏ đã phải chịu nỗi đau bệnh tật quá lớn…".
Những ca trực miệt mài, những đêm không ngủ của các điều dưỡng được đổi bằng những giọt nước mắt hạnh phúc của người bệnh khi vượt qua bạo bệnh. Với họ, sự hồi phục của người bệnh là phần thưởng lớn nhất cho những cống hiến thầm lặng ấy.
"Sau khi được ghép gan, chứng kiến da các bé hồng hào hơn, bé chơi khỏe mạnh, không quấy khóc, tôi hạnh phúc và xúc động như chính con của mình được cứu sống", điều dưỡng Hương tâm sự.
Chị Trần Thị Thủy, hộ lý khoa Hóa trị ung thư không thể quên món quà là con búp bê và hộp kẹo sô cô la của một bệnh nhân sau 10 năm. Chị nhớ lại: "Hôm đó trong ca trực, tôi đẩy một bà cụ đi siêu âm. Thấy bà chỉ có một mình, không có con cái đi cùng, tôi ngồi trò chuyện cho bà đỡ lo. 10 năm sau, tôi bất ngờ khi bà cụ đó đến bệnh viện tìm mình. Bất ngờ hơn là cụ vẫn còn nhớ hồi đó, khi tôi đẩy cụ đi siêu âm, tôi đang có bầu 7 tháng và có kể với cụ tôi mang bầu con gái nên cụ tặng búp bê và sô cô la cho con gái tôi… Tình cảm của người bệnh luôn là động lực to lớn để chúng tôi gắn bó với nghề".
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM hiện có hơn 1.500 nhân viên điều dưỡng, kỹ thuật y và hộ lý. Trong số đó, có 50 người làm việc trên 20 năm, gần 500 người gắn bó với công việc trên 10 năm.