Thiếu trầm trọng điều dưỡng (bài 2): Không ai học điều dưỡng, bệnh viện cạn nguồn tuyển

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 22/10/2022 07:00 AM (GMT+7)
Tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ tại TP.HCM đang ở mức rất thấp, gần như thấp nhất cả nước. Trong khi đó, ngành điều dưỡng của các trường đào tạo y dược tuyển sinh được rất ít, thậm chí không thể tuyển đủ chỉ tiêu khiến nguồn cung nhân lực này càng hạn hẹp.
Bình luận 0
Thiếu trầm trọng điều dưỡng: Bài 2: Không ai học điều dưỡng, bệnh viện cạn nguồn tuyển - Ảnh 1.

Thiếu người, các điều dưỡng phải gánh thêm nhiều việc. Ảnh: BVCC

Bệnh viện chật vật tự tìm cách khắc phục

Bà Hồ Thị Bích Hoàng, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, bệnh viện hiện có 353 điều dưỡng và 223 bác sĩ, tỷ lệ 1,6 điều dưỡng/bác sĩ. Bệnh viện đã đăng tuyển điều dưỡng để bổ sung số người nghỉ việc nhưng hồ sơ nộp vào rất hiếm hoi. Đối với điều dưỡng có tay nghề lại càng khó tuyển.

Để hoạt động khám chữa bệnh được trơn tru, Bệnh viện phải chuyển điều dưỡng làm ở bộ phận gián tiếp xuống các khoa điều trị, điều dưỡng không nghỉ bù hoặc phải sắp xếp thời gian nghỉ bù linh hoạt để không ảnh hưởng đến công việc.

Bác sĩ Nguyễn Thiên Trung, Khoa Cấp cứu Bệnh viện quận Gò Vấp cho hay, hiện tại khoa Cấp cứu của bệnh viện có 30 người, trong đó có 11 bác sĩ, 18 điều dưỡng, 1 hộ lý. Số giường tại khoa cấp cứu là 20, trong mỗi kíp trực có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng. Có nghĩa là mỗi điều dưỡng phải chăm lo cho 5 bệnh nhân, song thực tế có thời điểm số lượng bệnh nhân cấp cứu nhiều hơn khiến áp lực dồn lên vai họ là rất lớn.

Tại Bệnh viện Quận 11, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ chỉ đạt 1,4. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt điều dưỡng, bệnh viện phải điều phối người từ các phòng, khoa này qua khoa khác, tăng số lượng trực đêm để bù vào những vị trí đang còn thiếu.

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, bệnh viện thiếu điều dưỡng từ nhiều năm nay. Bệnh viện từng đến các trường có đào tạo ngành điều dưỡng ở TP.HCM và Đồng Nai để tuyển người nhưng không có bởi sinh viên theo học rất ít.

Để giải quyết bài toán thiếu điều dưỡng, những công việc trước đây điều dưỡng làm như hướng dẫn bệnh nhân, chăm sóc khách hàng… sẽ thay thế bởi người khác. Số điều dưỡng rút ra được bổ sung cho các khoa để chăm sóc bệnh nhân.

"Trước đây, bác sĩ khám bệnh có điều dưỡng hỗ trợ ghi chép nhưng giờ việc nào bác sĩ làm được thì làm vì điều dưỡng sẽ tập trung phục vụ bệnh nhân. Trước kia điều dưỡng mỗi người một việc hoặc làm việc theo nhóm 3 người thì nay nhóm rút xuống còn 2, công việc vẫn phải đảm bảo", bác sĩ Tuấn cho biết thêm.

Số người học điều dưỡng ngày càng giảm

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nhiều bệnh viện công trên địa bàn TP.HCM không tuyển dụng được điều dưỡng, khó tuyển hơn bác sĩ rất nhiều."Điều này thật tréo ngoe bởi khoảng 20 năm trước, tuyển dụng điều dưỡng dễ nhưng bác sĩ thì khó", bác sĩ Nam nói.

Theo Sở Y tế TP.HCM, nếu như năm 2021 có 2.300 người có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học điều dưỡng thì sang năm 2022 chỉ còn 781 người có nguyện vọng nộp đơn đơn đăng ký học điều dưỡng tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (giảm 66%). Tình hình này đang trở nên phổ biến tại các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng. Thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng là một thực trạng rất đáng lo ngại, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

Dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện sẽ càng trầm trọng hơn khi số nhân lực được tuyển dụng mới không đủ về số lượng lẫn chất lượng để bù đắp lại số đã nghỉ việc.

Thiếu trầm trọng điều dưỡng: Bài 2: Không ai học điều dưỡng, bệnh viện cạn nguồn tuyển - Ảnh 3.

Nhiều nhân viên y tế, trong đó có điều dưỡng đã nghỉ việc. Ảnh: B.D

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, do đặc thù công việc của người điều dưỡng thường khá vất vả, áp lực công việc ngày càng cao, môi trường làm việc luôn có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, trong khi thu nhập thì thấp, không đảm bảo cuộc sống gia đình nên dẫn đến tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề trong một bộ phận điều dưỡng, một số ít khác được bệnh viện tư tiếp nhận với mức lương cao hơn.

Bên cạnh đó, các điều dưỡng trung cấp đang gặp khó khăn trong việc học tập để nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học theo quy định của Bộ Y tế. Mặt khác, kinh phí đào tạo cho chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng đều khá cao, mỗi năm học phải mất từ 35 – 40 triệu đồng, nhưng khi ra trường, công việc vất vả, lương thấp, không có chế độ ưu đãi nên càng ngày số lượng người nộp đơn vào các trường đào tạo điều dưỡng ngày càng giảm.

Theo ông Thượng, hiện ngành y tế TP.HCM gặp khó khăn do biến động về nhân lực, tập trung ở các bệnh viện công lập. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã có trên 2.000 người nghỉ việc, chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng. Đặc biệt, khó khăn nhất là nhân lực điều dưỡng, bệnh viện nào cũng than thiếu điều dưỡng, chưa bao giờ các bệnh viện khó tuyển dụng như bây giờ. Cụ thể, theo yêu cầu, một bác sĩ phải có 3 điều dưỡng, thế nhưng tỷ lệ hiện nay chỉ từ 1,5 đến 2 điều dưỡng/1 bác sĩ.

"Lực lượng điều dưỡng là lực lượng đáng quan tâm bởi vì thu nhập chính của họ là đồng lương. Dù sao bác sĩ cũng có thể làm thêm ngoài giờ, ở phòng khám bên ngoài để kiếm thêm thu nhập, còn thu nhập chính của điều dưỡng vẫn chỉ là đồng lương. Tỷ lệ điều dưỡng giảm đi thì chất lượng chăm sóc bệnh nhân chắc chắn sẽ bị giảm đi. Chúng tôi rất lo", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng trung bình của Việt Nam hiện là 11,4/10.000 dân, tức chưa bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Trên thế giới, cứ một bác sĩ có 3-4 điều dưỡng, Nhật Bản đến 9-10 điều dưỡng, còn Việt Nam một bác sĩ chưa đến 2 điều dưỡng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 50.000 điều dưỡng để đảm bảo đáp ứng tốt cho nhu cầu chăm sóc y tế của người dân.

Bài cuối: Điều dưỡng đã thiếu lại còn quá nhiều quy định bất cập


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem