Dân Việt

Lý Nhã Kỳ: "Tôi cảm thấy con người bây giờ sống lạnh lùng"

Yến Linh 13/05/2023 13:30 GMT+7
Lý Nhã Kỳ cho rằng, mạng xã hội tuy tiện lợi nhưng cũng mang đến nhiều bất cập. Trong đó, không ít người bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề bởi bạo lực mạng.

Trong chương trình "Trà chiều cùng mợ chảnh" số đầu tiên của mùa 2, Lý Nhã Kỳ trải lòng cùng diễn viên Huỳnh Lập về hành trình nghệ thuật nhiều thăng trầm cũng như áp lực của người nổi tiếng trước dư luận xã hội.

Lý Nhã Kỳ: Không ít người bị ảnh hưởng tâm lý vì bạo lực mạng

Huỳnh Lập cho biết, dù đã vào nghề khá lâu nhưng đến giờ anh vẫn chật vật trước lời lẽ của công chúng trên mạng xã hội. Sao phim Pháp sư mù bộc bạch: "Những ý kiến cùng chiều và trái chiều xung quanh khiến tôi rất hoang mang. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc đời vốn là như vậy, không thể bắt cơn bão né mình. Tốt nhất là gồng mình đi qua cơn bão. Bây giờ, người dùng mạng xã hội rất nhiều, trong đó có rất nhiều nick ảo nên họ nghĩ nói gì cũng được".

Lý Nhã Kỳ: "Tôi cảm thấy con người bây giờ sống lạnh lùng" - Ảnh 1.

Lý Nhã Kỳ và Huỳnh Lập trong chương trình "Trà chiều cùng mợ chảnh". (Ảnh: Linh Phạm)

Đồng tình với Huỳnh Lập, Lý Nhã Kỳ cho rằng, mạng xã hội tuy tiện lợi nhưng cũng mang đến nhiều bất cập. Trong đó, không ít người bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề bởi bạo lực mạng. Dần dà, nữ diễn viên có phần e dè khi chia sẻ nhiều thông tin trên các trang mạng. Cô chia sẻ: "Tôi luôn có những đấu tranh tâm lý khi cảm thấy con người bây giờ sao sống lạnh lùng vậy. Người ta sống khép kín hơn, giá trị tinh thần không còn được quan tâm nhiều".

Với góc nhìn của người làm nghệ thuật, Huỳnh Lập cho biết sự phát triển của mạng xã hội đã tạo ra nhiều dịch vụ giải trí trực tuyến. Điều này đe dọa đến những hình thức nghệ thuật truyền thống, trong đó có kịch nói. Tuy nhiên, nam diễn viên tỏ ra lạc quan khi một số vở diễn anh tham gia gần đây gần như "cháy vé".

"Ở đâu đó, những giá trị truyền thống vẫn còn được trân trọng. Thấy các bạn trẻ năng động, thích trải nghiệm cái mới vậy chứ họ cũng rất quan tâm đến nghệ thuật truyền thống. Một số vở diễn tôi diễn, khán giả trẻ đi xem rất đông. Điều đó dạy cho tôi bài học, đừng đánh giá vấn đề hay đánh giá một thế hệ nào đó chỉ qua một khía cạnh", Huỳnh Lập chia sẻ.

Huỳnh Lập: Tôi từng bị buộc thôi học vì mải mê chạy show

Tiết lộ lý do gắn bó với sân khấu kịch, Huỳnh Lập nói đây là nơi để anh "rèn nghề" hiệu quả. Bởi lẽ, ở đó nghệ sĩ có thể trực tiếp tương tác, khóc cười với khán giả. Ngoài ra, diễn viên muốn diễn kịch tốt đòi hỏi phải có bản lĩnh sân khấu và kỹ năng ứng biến. 

Anh tâm sự với Lý Nhã Kỳ: "Khi diễn cảnh khóc, chỉ cần nhìn xuống sân khấu thấy một dòng lệ của khán giả thì tôi thấy rất vui. Cảm giác rất thăng hoa vì khi đó tôi biết rằng mình đã truyền được cảm xúc và tinh thần của nhân vật đến khán giả".

Lý Nhã Kỳ bất ngờ vì Huỳnh Lập có quá khứ "bất hảo". Clip: NVCC)

Lý Nhã Kỳ cũng thừa nhận diễn kịch khó gấp nhiều lần đóng phim. Cô dí dỏm nói: "Hồi đi đóng phim, trước khi muốn khóc thì tôi ra ngoài chuẩn bị tâm trạng. Hoặc vô cho đạo diễn mắng, ức quá khóc. Nếu đóng không được thì ra ngồi chờ, đến khi nào khóc được thì vào diễn lại. Trường hợp diễn quên thoại, cứ việc cắt và diễn lại. Còn diễn sân khấu thì phải một phát ăn ngay".

Tại chương trình, Huỳnh Lập gây bất ngờ khi từng bị buộc thôi học do mải mê làm nghệ thuật mà không đến lớp. Anh chia sẻ: "Trước đó, tôi đã học ngành đạo diễn được 3 năm rồi. Lúc thi Cười xuyên Việt, tôi nghỉ nhiều quá. Đến một ngày, tôi nhận được đơn buộc thôi học vì không hoàn thành số lượng buổi học. Thế là tôi ngừng học đến giờ". 

Dù không có duyên với chuyện học hành chính quy nhưng Huỳnh Lập không bi quan. Anh tích lũy kiến thức và học hỏi kinh nghiệm từ các tiền bối, đồng nghiệp qua từng dự án.

Bên cạnh làm nghệ thuật, Huỳnh Lập nói anh còn rất quan tâm đến hoạt động xã hội. Một trong những hoạt động anh và nhóm bạn duy trì nhiều năm qua là phụ giúp công nhân vệ sinh dọn dẹp đường phố vào đêm giao thừa tại Long Xuyên (An Giang). "Từ khi tôi phát động phong trào này, các cô chú công nhân vệ sinh chỉ dọn dẹp đến 1 giờ sáng là họ xong việc. Mọi năm trước, họ phải quét dọn đến tận 3-4 giờ sáng mới về nhà", anh kể.