Dân Việt

Kẻ vu oan nhiều học sinh để cưỡng đoạt tài sản ở TP.HCM có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung 13/05/2023 14:38 GMT+7
Theo chuyên gia pháp luật, đối tượng có nhân thân xấu, có tiền án nên sẽ được xác định là tái phạm, đây là một trong những căn cứ để quyết định hình phạt khi tòa án xét xử.

Vu oan nhiều học sinh để cưỡng đoạt tài sản

Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) vừa bắt tạm giam Trịnh Hoàng Tú về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Trước đó, cơ quan điều tra liên tiếp nhận được trình báo của nhiều học sinh, sinh viên, cho biết bị một người đàn ông đe doạ, cướp đi nhiều tài sản có giá trị vào ban ngày.

Kẻ vu oan nhiều học sinh để cưỡng đoạt tài sản ở TP.HCM có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Camera an ninh cho thấy Tú đang dàn cảnh với một sinh viên. Ảnh cắt từ clip

Thủ đoạn của người này là bất ngờ áp sát nạn nhân, vu oan "đã chém em tao". Khi nạn nhân giải thích, hắn nói "đi đối chứng với em tao" rồi đưa đến nơi vắng đe doạ, buộc đưa điện thoại, laptop...

Nhiều trinh sát hình sự vào cuộc truy tìm, bắt được Tú, người có 3 tiền án về tội Cướp tài sản và Cưỡng đoạt tài sản. Bước đầu Tú thừa nhận đã trấn lột tài sản của 6 học sinh, sinh viên ở quận 12, Gò Vấp và Tân Phú.

Ngoài ra, giữa tháng 2, Tú tiếp cận anh Tuấn, 35 tuổi, khi anh này đi bộ về phòng trọ tại quận Gò Vấp. Hắn kéo áo để lộ con dao, xưng là đại ca giang hồ, dùng chiêu cũ lớn tiếng vu oan cho anh Tuấn.

Nạn nhân phủ nhận, hắn lấy điện thoại giả vờ gọi rồi bảo "đi đối chất, nếu không sẽ đâm chết". Tú đưa anh Tuấn đến một con hẻm vắng, đe doạ, cướp iPhone.

Nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là đối tượng có nhiều tiền án về các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản, mặc dù đã được giáo dục, cải tạo nhưng đối tượng này vẫn tiếp tục thực hiện những hành vi phạm tội với thủ đoạn tinh vi, manh động, coi thường pháp luật.

Hành vi của đối tượng không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản mà còn đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân gây hoang mang trong dư luận xã hội nên việc bắt giữ, xử lý đối tượng này là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo quy định của pháp luật, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản, không phụ thuộc vào việc đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa và giá trị tài sản là bao nhiêu.

Hình phạt thấp nhất của tội danh này là phạt tù từ 1 đến 5 năm, mức hình phạt cao nhất là đến 20 năm tù. Trường hợp hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, mức hình phạt là phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Theo ông Cường, trong vụ việc này, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, thủ đoạn tinh vi, gây hoang mang trong dư luận xã hội, hành vi này sẽ được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên đối tượng này sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc.

Ngoài ra, đối tượng còn có nhân thân xấu, có tiền án nên sẽ được xác định là tái phạm, đây là một trong những căn cứ để quyết định hình phạt khi tòa án xét xử vụ án này.